Không thể phủ nhận mua hàng online hiện đã trở thành xu hướng. Người tiêu dùng cũng dần hình thành các thói quen, kỹ năng đi chợ online: Sử dụng các ứng dụng hay trang web mua sắm trực tuyến cung cấp hàng hóa đa dạng, giá cả hợp lý như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo…
Những công cụ tìm kiếm như Google, Bing… và các kênh thông tin đa phương tiện gần như đã trở thành một nguồn tham khảo không thể thiếu đối với người tiêu dùng (NTD) trước khi quyết định mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó.
Công nghệ số đã tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhiều nguồn thông tin, tìm kiếm những sản phẩm dịch vụ phù hợp, giúp NTD có thể đặt yêu cầu, đòi hỏi đáp ứng mang tính cá nhân cao.
Hàng hóa Việt Nam trước sự thay đổi xu hướng tiêu dùng do thương mại điện tử |
Bên cạnh đó, dưới tác động của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều người có xu hướng thắt chặt chi tiêu so với trước, thường chú ý đến các sự kiện khuyến mãi, ưu tiên mua hàng giảm giá để tiết kiệm chi phí. Người tiêu dùng cũng dần quen với các phương thức thanh toán trực tuyến như ví điện tử, thẻ tín dụng, thẻ ATM để được hưởng các ưu đãi từ nhà thanh toán và sưu tập các mã giảm giá, tích điểm…
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, cho biết: “Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”.
Theo báo cáo về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử từ 35-45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Đặc biệt, các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop, với TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần thương mại điện tử trong năm 2024. Khả năng cá nhân hóa trải nghiệm và kết hợp mua sắm với giải trí khiến các nền tảng mua sắm trực tuyến này đang nhanh chóng thu hút đông đảo giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Trong đó, 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa, và 21% mua ngay lập tức. Điều này minh chứng thương mại điện tử đang dần thúc đẩy sự phát triển của mô hình mua sắm đa kênh.
Đáng chú ý, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh tại Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023 (báo cáo của Bộ Công Thương). Đặc biệt, 72% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng cao của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Báo cáo từ AppotaPay cũng nhấn mạnh rằng, tiêu dùng bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố bắt buộc để hàng hóa Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường quốc tế. Dự báo trong năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số nhận định, sự chuyển đổi trong hành vi tiêu dùng và tốc độ phát triển của công nghệ vừa là những dấu hiệu tích cực, vừa là thách thức cho ngành thương mại điện tử năm 2025. Để không bị tụt lại phía sau, các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
“Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”, ông Trần Minh Tuấn nhận định.