![]() |
Hàn Quốc tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam
Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), năm 2025, Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác lao động với Việt Nam thông qua Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), với hạn ngạch tiếp nhận lao động visa E9 dành cho Việt Nam được nâng lên 8.400 người.
Visa E9 dành cho người lao động làm việc trong các lĩnh vực như sản xuất chế tạo (cơ khí, lắp ráp), nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và ngư nghiệp (đánh bắt, nuôi trồng thủy sản). Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tiếp nhận lao động theo các diện khác như: thuyền viên tàu cá gần bờ (visa E10), lao động kỹ thuật (visa E7), và lao động thời vụ (visa C-4, E8).
Trong thời gian gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã có những điều chỉnh đáng kể trong chính sách lao động nước ngoài, nhằm thích ứng với xu hướng giảm dân số trong độ tuổi lao động. Ngoài việc tăng chỉ tiêu, chương trình EPS còn được mở rộng thêm các ngành nghề tiếp nhận như: đóng tàu, dịch vụ, lâm nghiệp, kỹ thuật hàn - sơn, sản xuất linh kiện máy bay, cũng như lĩnh vực xây dựng, bảo dưỡng ô tô và truyền tải điện.
Ông Hương khẳng định, đây là cơ hội quý báu cho thanh niên Việt Nam tìm kiếm việc làm, nâng cao tay nghề và khả năng ngoại ngữ, đồng thời tạo nguồn thu nhập ổn định. Nhà nước hiện cũng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như đào tạo tiếng Hàn, dạy nghề, khám sức khỏe, hỗ trợ ăn ở và vay vốn lãi suất thấp. Trong đó, chương trình EPS được đánh giá là một trong những lựa chọn chi phí thấp nhưng hiệu quả cao dành cho người lao động.
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS diện visa E9 có thể đăng ký tại sở nội vụ, trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương hoặc tại trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab).
Đối với lao động kỹ thuật (E7) hay thuyền viên tàu cá gần bờ (E10), một số doanh nghiệp được phép tham gia và được công khai trên trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Đối với chương trình lao động thời vụ (E8), người lao động cũng có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc sở nội vụ các tỉnh, TP để biết cụ thể, tránh tình trạng bị lừa đảo "tiền mất, tật mang".
Mở rộng chính sách visa khu vực
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc, trong hai năm 2025–2026, nước này sẽ mở rộng phạm vi áp dụng visa chuyên biệt theo khu vực từ 89 lên 107 địa phương có nguy cơ suy giảm dân số. Các địa phương mới được bổ sung thuộc 13 tỉnh và thành phố lớn như Busan, Incheon, Gyeonggi, Gwangju...
Một điểm đáng chú ý là lao động phổ thông diện E9 và lao động biển diện E10 có thể được chuyển đổi sang visa E7-4R – diện lao động kỹ năng, nếu đã cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc trên 2 năm và đáp ứng yêu cầu theo hệ thống tính điểm K-point (bao gồm tiêu chí về lương, hợp đồng lao động và trình độ tiếng Hàn).
Đặc biệt, người có visa E7-4R cư trú tại khu vực suy giảm dân số trong 3 năm trở lên có thể tiếp tục chuyển sang visa F2-R (lao động chuyên môn xuất sắc khu vực), mở ra khả năng định cư lâu dài tại Hàn Quốc. Sau thời gian cư trú ổn định, người lao động có thể nộp đơn xin visa F5 – thị thực cư trú vĩnh viễn, đồng thời bảo lãnh người thân sang sinh sống cùng.
Hệ thống cũng cho phép thành viên gia đình của người mang visa E7-4R và F2-R được làm việc tại các ngành nghề phổ thông ở khu vực này. Hạn mức tiếp nhận lao động nước ngoài trong một doanh nghiệp tại các địa phương suy giảm dân số cũng được nâng từ 20% lên 50% tổng số lao động trong nước.
Chính phủ Hàn Quốc hiện đang điều chỉnh yêu cầu trình độ tiếng Hàn đối với visa F2-R từ TOPIK cấp 3 lên cấp 4, nhằm đảm bảo người lao động có thể hòa nhập tốt hơn với môi trường sống và làm việc.
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), trong quý 1 năm 2025, cả nước có trên 37.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó hơn 7.000 lao động nữ, đạt 28,4% kế hoạch năm 2025. Thị trường Hàn Quốc có trên 4.100 người xuất cảnh đi làm (gần 500 lao động nữ).