“Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của một dân tộc”. Đây là khái niệm do Unessco đưa ra nhằm nhấn mạnh đến hoạt động sản xuất và sáng tạo của các quốc gia tạo ra tính đặc trưng của họ.
Tuy nhiên, có hàng trăm khái niệm về văn hoá khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra một khái niệm về văn hoá mà được thế giới trích dẫn rất nhiều lần, khái niệm này cũng thể hiện tầm vóc của một nhà tư tưởng lớn, một vị lãnh tụ và người kiến thiết ra thời đại mới cho đất nước chúng ta.
Trong một số ghi chép ở trang cuối cùng của tập thơ Nhật ký trong tù, Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”. Khái niệm này nhấn mạnh đến yếu tố động lực, nhu cầu, khát vọng của con người để hướng tới thành tựu văn hoá, thoã mãn nhu cầu con người.
Cả hai khái niệm đều lấy chủ thể là con người và hoạt động của con người trong mối quan hệ với văn hoá, sự tương tác qua lại giữa văn hoá và con người, con người và văn hoá.
Tính bao trùm, tính phổ quát của văn hoá đã làm cho khái niệm văn hoá được hiểu dưới nhiều khía cạnh, dưới nhiều mặt biểu hiện và làm cho chúng ta khó có thể nắm bắt, tiếp cận được những ứng dụng của văn hoá, mặc dù đó là việc đầy ý nghĩa, có tính thiết thực cho chúng ta trong hành trình tạo ra những thành tựu.
Các khái niệm đã có về văn hoá chỉ miêu tả văn hoá ở các khía cạnh khác nhau của sự cảm nhận của con người, cũng như chúng ta cảm nhận về mặt trời, những “nhà mặt trời học” đều sử dụng năng lượng mặt trời để sống mà chưa thể nào lí giải mặt trời sinh ra từ đâu, mặt trời tồn tại khách quan như sự tồn tại khách quan về vũ trụ, và mọi nhận thức chỉ dừng lại ở những giả thuyết.
Mặt trời có trước con người rất lâu, và nó là nền tảng của sự sống. Nhiều dân tộc đã “kéo” mặt trời xuống làm thần thánh. Họ thờ mặt trời và coi mặt trời là một vị Thần để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của họ. Cũng như có những dân tộc chẳng bao giờ ăn thịt bò và thờ bò như thần linh vì vai trò to lớn của con vật này trong nông nghiệp, đời sống của họ.
Vậy nếu chúng ta chỉ dừng lại sự hiểu biết về văn hóa ở thành tựu, nhu cầu của loài người thì phải chăng, "mặt trời văn hoá” đã bị kéo xuống để phù hợp với nhận thức hạn hẹp và rồi chính chúng ta không thể định nghĩa nổi thực chất văn hoá là gì, bỏ qua một sự nhận thức đúng đắn và khách quan về văn hoá.
Nếu như mặt trời đã vượt qua được vấn đề không gian và thời gian để trở thành một nguồn năng lượng của đời sống từ cổ chí kim, tổ tiên của chúng ta cũng có một mặt trời không khác chúng ta, mặt trời đã soi sáng cho tổ tiên, cho cả từng phút giây hiện tại và cả tương lai loài người. Nếu mặt trời là ánh sáng của vũ trụ thì văn hoá là ánh sáng của “tiểu vũ trụ” trong mỗi chúng ta, tức là trong tâm thức con người và nó cũng tồn tại khách quan, vượt qua tầm nhận thức cũng như không gian và thời gian trong sự phát triển tâm thức, soi sáng cho con người tìm về bản thể, về chiều sâu nội tâm của "tiểu vũ trụ” trong ta.
Khi đi ra thế giới, chúng ta có quyền tự hào về một trong những nét đặc sắc văn hoá Việt Nam chính là “Đạo Thánh Mẫu”. Hiểu đơn giản thì đó là tín ngưỡng thờ tổ tiên và các bậc tiền bối, những vị thánh trong lòng mỗi người con dân tộc Việt. Nhưng khi đi sâu hơn, chúng ta lại thấy đó là một nguồn năng lượng linh thiêng có sức kết nối mạnh mẽ giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai thành một dòng chảy để những giá trị tưởng chừng như đã ngủ quên trong quá khứ lại trở nên sống động và thức dậy cùng đời sống hôm nay. Nguồn năng lượng ấy đã giúp hình thành nên một đất nước Việt mà cả thế giới luôn ngỡ ngàng về một đời sống tinh thần phong phú và sống động.
"Đạo Thánh Mẫu" luôn tồn tại khách quan trong đời sống tinh thần của những con người Việt cho dù họ tin hay không tin, cũng như mặt trời vẫn tồn tại khách quan dù quốc gia ấy có phong tục tín ngưỡng thờ “Thần mặt trời” hay không!? Dù tin hay không thì mỗi chúng ta đều sống bằng nguồn năng lượng mặt trời trong từng giây phút, mặc dù đôi khi nguồn năng lượng ấy có thể làm khô cạn một dòng sông hay cháy rụi một khu rừng, nhưng không vì thế mà chúng ta xem thường giá trị vĩnh hằng của nó.
Văn hoá cũng như vậy, dù bạn có cảm nhận và thấy được vai trò của văn hoá hay không thì nó vẫn chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta từ cấp độ cá nhân đến cấp độ toàn nhân loại.
Từ khi loài người sinh ra, đã xuất hiện rất nhiều con người kiệt xuất, những con người thần thánh, thậm chí là Thiên Phật, và ta thường tặng họ một từ chung để đánh giá thành tựu của họ là “Danh nhân văn hoá thế giới”. Nhưng ngay cả cái danh hiệu thật vĩ đại đó thì cũng không thể diễn đạt hết được sự kỳ vĩ trong thành tựu khám phá tâm thức của họ và tầm ảnh hưởng của những thành tựu khám phá ấy đến đời sống của chúng ta.
Tầng văn hoá mà họ vươn tới là sự cổ vũ to lớn cho loài người trong một cuộc hành trình tìm lại thân phận, họ là những đồng loại xuất chúng của chúng ta, và những thành tựu của họ làm cho chúng ta nhận ra tầng văn hoá khác biệt của họ so với chúng ta, cái mà chúng ta đang hướng đến. Cả nhân loại đã đạt được rất nhiều thành tựu về vật chất và tinh thần trong suốt chiều dài lịch sử nhưng đều nhỏ bé trước tầm văn hoá của những bước bậc giác ngộ đó. Thành tựu của họ là độc lập và không bị chi phối bởi các giá trị tinh thần và vật chất của con người. Thậm chí nhiều người đã mạt sát, truy đuổi và hãm hại họ, những con người mang ánh sáng văn hoá đến cho loài người. Nguồn năng lượng từ các tầng văn hoá luôn mạnh mẽ, không giới hạn và tác động đến con người một cách trực tiếp như sức bức xạ của ánh sáng mặt trời hay sự dữ dội của những trận mưa lớn, đôi lúc làm cho thế giới khô hạn hay ngập lụt, rất may điều đó không diễn ra thường xuyên, nguồn năng lượng từ các tầng văn hoá đều chứa đựng trong đó sự thấu hiểu- chia sẻ và kiến tạo giải pháp để giúp con người thích nghi và hóa giải những thách thức mà cuộc sống mang lại.
Vậy phải chăng “Văn hoá là một trạng thái năng lượng và nó tồn tại độc lập với vật chất và tinh thần con người được hiển thị trong đời sống con người khi họ đạt đến các tầng nhận thức, tầng thành tựu, tầng giác ngộ. Khi có ánh sáng văn hoá để lao động sáng tạo, con người sẽ đạt được những thành tựu có tính chất di sản, gọi là di sản văn hoá”.
Trong lịch sử phát triển, loài người đã đạt những thành tựu cách mạng, mang tính đột phá và thành tựu đấy đôi khi đến từ một khoảnh khắc được gọi là “xuất thần” của một cá nhân khi họ đạt được một trạng thái năng lượng tinh thần rất cao, như khi Newton ngồi trong vườn nhìn quả táo rơi, Einstein mơ màng chạy đua cùng các tia sáng hay Acsimet đang thư giãn trong bồn tắm. Từ những khoảnh khắc đó, thế giới có định luật vạn vật hấp dẫn, thuyết tương đối hay lực đẩy của nước, nó là khởi thuỷ để có sự phát triển của khoa học hiện đại và các kỹ thuật, công nghệ ứng dụng vào đời sống để thay đổi căn bản chất lượng cuộc sống của chúng ta. Chúng là những thành tựu có tính chất chiến lược, thành tựu của những thành tựu. Nhân loại tiến bộ đã dựa vào những phát minh đó để tạo ra vô số các ứng dụng trong đời sống và vô số các thành tựu được gọi chung là "Văn minh nhân loại".
Trích sách “Văn hoá trà Việt- hành trình tìm về bản thể”
Tác giả Hà Huy Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Golden Heritage
(*)Thông điệp của bài viết là quan điểm riêng của tác giả.