Thời điểm hiện tại, Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) đang chật vật xoay sở, thoái vốn tại công ty thành viên có kết quả kinh doanh thua lỗ hoạt động trái ngành.
Cụ thể, Habeco đang góp vốn đầu tư tại 05 công ty hoạt động ngoài ngành, bao gồm 03 trong hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (Công ty Cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại; Công ty Cổ phần bất động sản Lilama và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Habeco), 01 công ty đào tạo (trường Đại học Công nghiệp Vinh) và 01 công ty hoạt động kinh doanh tổng hợp (Công ty Cổ phần sành sứ thủy tinh Việt Nam).
Các thương hiệu bia thuộc Habeco đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với hàng loạt sản phẩm cùng phân khúc của các đối thủ, đơn cử như Heineken Việt Nam, Sabeco và Carlsberg.
Lượng bia được tiêu thụ nội địa trong năm qua sụt giảm mạnh so với năm 2019 vì tác động kép của dịch bệnh và Nghị định 100.
Ban lãnh đạo Habeco cho rằng, sản lượng tiêu thụ của Habeco cũng như Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) có mức giảm tương đương nhau và khu vực miền Bắc, Bắc Trung bộ (thị trường chính của Habeco), lượng bia được tiêu thụ có sự sụt giảm mạnh hơn so với các khu vực khác trên cả nước.
Dù vậy, ban lãnh đạo Habeco tự tin doanh nghiệp này vẫn giữ vị trí là nhà sản xuất dẫn đầu tại khu vực nói trên. Theo đó, sau thời gian giãn cách xã hội trong quý I và đầu quý II/2020, Habeco đã có sự phục hồi phục hồi mạnh mẽ trong 3 tháng liên tiếp vào mùa hè và hết năm 2020, công ty này có 38,5% về thị phần về sản lượng.
Kết quả năm 2020, tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm của Habeco đạt 309,9 triệu lít, trong đó 307,8 triệu lít là bia các loại. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính (đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) đạt 5.893 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 625,3 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch 52,2%.
Năm 2021, Habeco đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế số 1 tại thị trường miền Bắc và Bắc miền Trung, đưa ra thị trường khoảng 280 triệu lít (trong đó khoảng 278,2 triệu lít bia); tái cơ cấu danh mục thương hiệu và sản phẩm để nâng cao thị phần tại các khu vực.
Hiện Bộ Công Thương là cổ đông chi phối với gần 82% vốn đang xem xét về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 của Habeco.
Linh Anh