Hà Nội: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm

23:30 29/05/2022

Những thay đổi tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố Hà Nội đã được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận.

Theo Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), bên cạnh việc duy trì tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện qua mạng internet, mới đây, thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình hỗ trợ 100% phí sử dụng một năm chữ ký số và 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022.

Chương trình giúp doanh nghiệp không phải sử dụng hóa đơn giấy, chữ ký tay như trước đây, thuận tiện trong quản lý và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tư vấn, giải đáp miễn phí về thủ tục pháp lý, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan… cho hơn 10 nghìn lượt doanh nghiệp. Bốn tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã có 9.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; vốn đăng ký đạt 122,4 nghìn tỷ đồng, tăng 29%; 5.700 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21%.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm.

Thành phố Hà Nội còn tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Những thay đổi tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố Hà Nội đã được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận.

Theo công bố mới nhất về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hà Nội đứng thứ 10 (đạt 68,6 điểm) trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố và được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Còn theo công bố mới đây về chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) năm 2021, Hà Nội đạt 44,45 điểm, xếp thứ 9 cả nước và nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp cao nhất. Các chỉ số nội dung gồm "công khai, minh bạch", "thủ tục hành chính công", "quản trị điện tử" nằm trong nhóm có điểm cao nhất, trong khi năm 2020 không có chỉ số nào nằm trong nhóm này…

Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều điểm bất cập, thiếu bền vững, sức cạnh tranh với một số tỉnh, thành phố khác như Quảng Ninh, Bình Dương… còn thấp. Theo các doanh nghiệp, việc tìm kiếm mặt bằng ở Hà Nội khó khăn hơn, đồng thời, chi phí thuê, mua đất, chi phí nhân công ở Hà Nội… cũng cao hơn.

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội đạt 44,45 điểm là vẫn ở mức trung bình. Thành phố vẫn còn nhiều dư địa để đổi mới, cải cách và cần tiếp tục phấn đấu cải thiện hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Tương tự, chỉ số cải cách hành chính của thành phố năm 2021 dù có tăng hơn 2 điểm so với năm trước, song vị trí xếp hạng lại tụt từ thứ 8 xuống thứ 10. Điều này cho thấy, nếu không muốn tụt hậu so với các địa phương khác, thành phố cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường.

PV