Vừa quan sự việc phóng viên (PV) Hà Giang Nam của Tạp chí Đời sống và Pháp luật đến tác nghiệp tại Công an huyện Việt Yên, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang theo đúng quy định của Luật Báo chí. Cụ thể phóng viên Giang Nam đến làm việc với các cơ quan trên theo giấy giới thiệu số 1019/GGT-ĐSPL Tạp chí Đời sống và Pháp luật với đầy đủ nội dung làm việc, cơ quan đến làm việc và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động là “Cập nhật tin tức, hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Định kỳ theo kỳ xuất bản (đối với loại hình tạp chí in), định kỳ cập nhật thông tin theo quy định pháp luật (đối với loại hình tạp chí điện tử) để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành; Giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học; Phân tích, đánh giá; Tham gia tư vấn, phản biện trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Tuy nhiên, theo thông tin đăng tải trên Tạp chí Đời sống và Pháp luật ngày 20/10/2020 khi làm việc với ông Trần Minh Chiêu – Giám đốc Sở TTTT tỉnh Bắc Giang thì “Mặc dù PV đến làm việc có giấy giới thiệu của Tòa soạn, cung cấp CMND để xác thực nhân thân cùng nội dung công việc đã bị ông Chiêu từ chối làm việc vì lý do PV chưa có thẻ và gọi Thanh tra sở lập biên bản cùng với nhiều lời lẽ thiếu tôn trọng PV như: “Tao không phải nói với chú! Đây biên bản ghi rõ đây phải hướng dẫn tôi là sao. Cái việc biên bản đấy cái việc thống nhất cả hai bên. Lập thế nào do thanh tra người ta lập… tôi nhà báo lâu này, tôi 26 năm””.
Ông Trần Minh Chiêu – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bắc Giang (ngoài cùng bên phải) cùng Thanh tra Sở trong buổi làm việc với PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật.9 (Nguồn ảnh Tạp chí Đời sống và Pháp luật)
Ở đây chúng ta không bàn hay đánh giá về nội dung vụ việc ca sỹ Du Thiên bị nói xấu như thế nào, ai đúng, ai sai. Tôi chỉ đứng nhìn nhận đánh giá về việc tiếp nhận, phối hợp, cung cấp thông tin cho phóng viên khi tác nghiệp. Nếu như sự việc ông Trần Minh Chiêu – Giám đốc Sở TTTT tỉnh Bắc Giang từ chối cung cấp thông tin cho phóng viên khi tác nghiệp đúng theo quy định của pháp luật vì lý do không có thẻ nhà báo mà xảy ra ở một sở, ban ngành khác thì có thể còn lý giải được là do họ nhận thức về nghiệp vụ Báo chí còn hạn chế. Nhưng sự việc lại xảy ra tại một cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực Báo chí tại địa phương, một đơn vị phải rất am hiểu về cách cung cấp thông tin, quy trình tác nghiệp của Báo chí nhưng lại có những nhận định rất mơ hồ, non kém về mặt nghiệp vụ. Một người đứng đầu một sở Thông tin và Truyền thông, có thẻ nhà báo 26 năm thì chắc hẳn phải là người thấu hiểu, chia sẻ nhất với quá trình hoạt động nghề nghiệp của phóng viên. Theo quy định thì Phóng viên là những người chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo. Họ là người đến tiếp cận nguồn tin, sử dụng nghiệp vụ báo chí của mình khai thác, xử lý thông tin viết thành tác phẩm báo chí. Thông thường phóng viên chưa có thẻ nhà báo khi đến cơ quan, tổ chức tác nghiệp thì chỉ cần dùng giấy giới thiệu có giá trị pháp lý (còn thời hạn, ghi rõ nội dung nơi đến làm việc, nội dung sự việc cần quan tâm và do người có thẩm quyền của cơ quan Báo chí ký) của cơ quan báo chí cử đi và giấy chứng minh nhân dân là đủ. Trước khi ký cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, lãnh đạo cơ quan Báo chí có thẩm quyền ký đã cân nhắc dựa trên báo cáo đề tài, đề xuất cấp giấy giới thiệu và đối chiếu với tôn chỉ mục đích trong giấy phép hoạt động do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp để quyết định cấp hay không cấp giấy giới thiệu. Quy định pháp luật rất rõ ràng nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông Chiêu lại không phối hợp cung cấp thông tin cho PV Tạp chí Đời sống và pháp luật.
Thực trạng hiện nay, rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi phóng viên cơ quan Báo chí đến tác nghiệp đúng quy định pháp luật, quy tắc đạo đức người làm báo nhưng các cơ quan trên đã đưa ra những đòi hỏi hết sức vô lý, trái pháp luật nhằm trốn tránh, kéo dài thời gian cung cấp thông tin cho Báo chí. Thiết nghĩ việc cung cấp thông tin cho Báo chí là để cho dư luận quần chúng nhân dân có cái nhìn trung thực, khách quan, đa chiều qua đó nhằm mục đích tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng pháp luật của Nhà nước và định hướng cho dư luận được tiếp cận những thông tin chính thống. Phải chăng việc không cung cấp, thiếu phối hợp của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là nhằm che dấu một sự thực không muốn hay không dám phơi bày?
Các hoạt động tác nghiệp của nền Báo chí cách mạng Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận. Với bề dày nền Báo chí cách mạng Việt Nam gần một trăm năm hoạt động nhưng câu chuyện một Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông với 26 năm có thẻ nhà báo không cung cấp thông tin cho phóng viên khi tác nghiệp hợp pháp quả là chuyện chỉ bây giờ mới có.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Nguồn ảnh Tạp chí Đời sống và Pháp luật
Khải Hoàn