Nỗ lực tạo sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số
Lào Cai là tỉnh miền núi, có hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Tính tới hết quý II/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Lào Cai đạt trên 421,2 nghìn người, tăng 5,7 nghìn người so với quý trước và tăng 17,57 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có 8.000 - 10.000 người bước vào độ tuổi lao động.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Lào Cai, tiếp nhận chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, Sở đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động người DTTS. Cụ thể như đôn đốc các cơ sở giáo dục nghệ nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch tư vấn, tuyển sinh, đào tạo năm 2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm, chú trọng đến đối tượng là người dân tộc thiểu số; người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; lao động nữ; hộ gia đình mất đất sản xuất, người chấp hành xong hình phạt tù... Tập trung tổ chức tuyên truyền tại các xã nghèo, xã vùng cao có nhiều người lao động DTTS và không có việc làm; lao động tự do, lao động từ các vùng dịch trở về đã quay trở lại thị trường lao động hoặc chuyển đổi việc làm. Việc đào tạo được thực hiện linh hoạt, bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của bà con.
Đặc biệt, xã hội hóa công tác dạy nghề được đẩy mạnh theo hướng đa dạng các loại hình cơ sở, phương thức dạy và học, thực hiện liên doanh, liên kết với các trình độ đào tạo, thực hiện phân luồng, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề. Thông qua xã hội hóa đã phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp dạy nghề và tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả trong công tác dạy nghề ở mức độ ngày càng cao.
Theo ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai: Những chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt cho đồng bào DTTS giúp lao động vùng cao Lào Cai có việc làm ổn định, người dân chuyển đổi, có sinh kế để gia tăng thu nhập. Qua công tác đào tạo dạy nghề, lao động vùng cao được nâng cao trình độ, hiểu biết, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng kế hoạch ngành nghề đào tạo sát thực tế, nhu cầu học nghề của từng bộ phận người dân, địa phương. Các khóa, lớp đào tạo nghề, chương trình đào tạo, danh mục nghề phù hợp cho lao động là người DTTS, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Doanh nghiệp đồng hành đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Long- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết, vấn đề nâng cao trình độ và tạo việc làm cho người dân là nhiệm vụ lớn, được lãnh đạo tỉnh chú trọng, chỉ đạo thực hiện từ hàng chục năm nay. Cộng đồng doanh nghiệp Lào Cai luôn đồng hành cùng chính quyền để thực hiện nhiệm vụ này.
Theo ông Long, trong giai đoạn từ 2021 đến 2025, tỉnh Lào Cai sẽ đào tạo, hỗ trợ 58.000 lao động, nhất là lao động DTTS. Đây là một chủ trương lớn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Lào Cai. Từ khi Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai được thành lập, đã đồng hành cùng tỉnh trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Thông qua những chương trình của Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Lào Cai... nhiều doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai như doanh nghiệp Thủy điện, ô tô, xây dựng, du lịch... đã tìm, đưa con em gia đình khó khăn đi học nghề. Các em học sinh vừa được học văn hóa, vừa được học nghề, thực hành ngay tại các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hỗ trợ cơm trưa, thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã trả lương cho các em khi làm được việc. Các doanh nghiệp đều nhận thức rằng, việc đào tạo nghề cho con em tại địa phương gắn với việc làm cũng là tạo ra lực lượng lao động cho chính doanh nghiệp của mình.
“Nếu như chúng ta chia sẻ cho bà con về kinh tế thì chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt nhưng về lâu dài, mỗi một xã, một huyện, mỗi một doanh nghiệp tạo điều kiện cho các đối tượng lao động được tiếp cận với các ngành, nghề để có một nghề trong tay thì sẽ có “cần câu cơm” lâu dài, ổn định. Đặc biệt, khi con em tại địa phương có nghề ổn định sẽ giảm thiểu được vấn nạn bà con vượt biên trái phép sang nước ngoài lao động”, ông Long chia sẻ.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai cho biết, sau học nghề, người lao động vùng cao có thể chủ động thành lập các tổ, đội, sản xuất kinh tế. Thực tế, việc tổ chức kết nối đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp cho lao động trẻ xã nghèo đã bước đầu mang lại hiệu quả. Dự kiến, cuối năm 2023 có 75 hộ thoát nghèo trong số lao động đi làm việc tại các công ty. Khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê vừa công bố tháng 11/2023 cho thấy, tỉnh Lào Cai xếp thứ 5 trong số 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006 - 2021. Sự chuẩn bị nguồn nhân lực hiện tại chính là động lực để Lào Cai phát triển trong tương lai gần.
Năm học 2023 - 2024, cùng với thành lập thêm 4 khoa đào tạo nghề mới, Trường Cao đẳng Lào Cai cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển 7 ngành nghề trọng điểm đạt chất lượng ASEAN. Cùng với đó là mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong việc xây dựng chuẩn đầu ra; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập và tuyển dụng lao động vào làm việc; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp… Nhà trường đã ký kết hợp tác với 72 doanh nghiệp; đưa hơn 2.500 lượt học sinh, sinh viên đi thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Nhờ đó, nhiều học sinh, sinh viên được các đơn vị hỗ trợ trả lương trong quá trình thực tập, hợp đồng tuyển dụng ngay…
Công- Lợi