Giá đất gần với giá thị trường: Đòi hỏi nỗ lực kết hợp chứ không chỉ là bảng giá

17:19 21/02/2023

Đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, TS Nguyễn Hữu Dũng, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, xác định giá đất gần hơn với giá thị trường đòi hỏi phải có một vài nỗ lực khác kết hợp chứ không chỉ là bảng giá đất.

Chiều 21/2, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và môi trường, Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).

Ảnh minh họa
Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Hoài Anh. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội.

Quá trình sửa Luật Đất đai chính là lúc đánh giá năng lực của cơ quan lập pháp, hành pháp trong thể chế hoá chủ trương của Đảng.

Quốc hội đã cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân nên các ý kiến cần đi thẳng vào các chương, điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà nghị quyết Trung ương ban hành thì tập trung góp ý để làm sao chính sách đó  được thể chế một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện.

Đóng góp cho Dự thảo, TS Nguyễn Hữu Dũng, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, dự thảo luật đất đai sửa đổi lần này được xem như là chuyển từ cách tiếp cận giá đất được ấn định từ trên xuống, sang hướng dựa vào thị trường để xác định giá đất.

Dự thảo cũng đưa ra 5 phương pháp xác định giá đất, và các điều luật cũng định hướng cách áp dụng các phương pháp này trong các điều kiện cụ thể.

Quá trình định giá bắt đầu từ việc Nhà nước tạo ra khung giá, và khung giá đó định hướng HĐND cấp tỉnh xác định bảng giá đất. Sau khi tham khảo các thông tin đầu vào của phòng tài nguyên môi trường thì xác định được giá đất khu vực đó.

“Nhưng cái mà chưa rõ ràng là liệu điều này đã là đủ để chế tài các vấn đề có thể nảy sinh giữa các bên khi họ thương lượng mua bán đất chưa? Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này vẫn có bảng giá ở một hình thức khác, nhưng được cập nhật hàng năm. Đây là một bước tiến mới vì nó cập nhật hơn, nhưng có lẽ vẫn chưa phải là một giải pháp đột phá theo đúng nghĩa vì bản thân phương pháp định giá này đứng một mình thì cũng chưa giải quyết được vấn đề tận gốc rễ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, xác định giá đất gần hơn với giá thị trường đòi hỏi phải có một vài nỗ lực khác kết hợp chứ không chỉ là bảng giá đất. Ví dụ như các vấn đề liên quan đến Luật Thuế (cả về xây dựng luật và thực thi luật), quản lý thị trường, khống chế đầu cơ...

“Công việc quan trọng cho các nhà làm luật tại thời điểm hiện tại là phải xác định được đúng thế nào là “thị trường” trong khi định giá đất”, ông Dũng đề nghị.

Ảnh minh họa
Giá đất gần với giá thị trường đòi hỏi sự nỗ lực kết hợp chứ không chỉ là bảng giá. 

Tham luận tại hội nghị, TS Ngô Văn Hồng, Trung tâm CEGORN thì cho rằng, việc không quy định rõ về khái niệm đất rừng trong Luật Đất đai mà được điều chỉnh bằng văn bản dưới Luật nên hiệu lực pháp lý không cao, thậm chí có cách hiểu khác nhau về đất rừng.

Điều này dẫn đến 2 bất cập cơ bản trên thực tế là sự chệnh lệch về diện tích đất rừng lâm nghiệp trong quy hoạch đất đai và quy hoạch rừng và cả trong thống kê và chênh lệch về diện tích rừng trồng giữa số liệu thống kê của hai ngành (tài nguyên môi trường và nông nghiệp phát triển nông thôn) ở tất cả các cấp quản lý. Bất cập này cần được sửa đổi khắc phục để tạo hiệu lực pháp lý cao hơn.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chia sẻ, trong xu thế phát triển, nhu cầu đất phục vụ mục đích du lịch văn hoá tâm linh là có thực, cần có các chính sách sử dụng đất đối với hình thức này. Trong những thập kỷ gần đây, tình hình tôn giáo ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng đất cho hoạt động tôn giáo mở rộng đã làm cho việc đòi lại đất mà trước đây tôn giáo sử dụng ngày một gia tăng. Sự gia tăng về số lượng tín đồ, về nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và hoạt động xã hội, nên các tôn giáo quan tâm hơn việc mở rộng, xây mới các cơ sở tôn giáo, cơ sở xã hội… từ đó phát sinh nhu cầu về sử dụng đất đai. Bên cạnh việc đòi đất có nguồn gốc tôn giáo, thì các tổ chức tôn giáo không ngừng mua bán, hiến nhượng, lấn chiếm đất để mở rộng, xây dựng cơ sở thờ tự không đúng pháp luật diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, gây ra tình trạng bất ổn trong quản lý và sử dụng đất tôn giáo.

“Tình hình phức tạp liên quan đến đất cơ sở tôn giáo đặt ra vấn đề cần phải đối mới cơ chế, chính sách pháp luật về đất cơ sở tôn giáo để phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay”, ông Tiến đề xuất.

Hoài Anh