FDI: “Hút” dịch chuyển đơn hàng dễ hơn dịch chuyển đầu tư

00:00 12/10/2020

Thay vì xúc tiến đầu tư đại trà, tới đây, để thu hút vốn FDI có chất lượng, Việt Nam cần phải xúc tiến đầu tư có địa chỉ.

fdi hut dich chuyen don hang de hon dich chuyen dau tu

Xúc tiến đầu tư có địa chỉ để hút FDI chất lượng. Ảnh: Internet.

3 mục tiêu nhất quán, lâu dài

Cơ hội của Việt Nam trong đón dòng đầu tư nước ngoài chuyển dịch là rất lớn. Tuy nhiên, làm sao để hút vốn FDI chất lượng, đảm bảo được các mục tiêu đề ra trong thu hút nguồn vốn này, đó là bài toán cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh, Việt Nam cần giữ vững được 3 mục tiêu nhất quán và lâu dài trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ nhất là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước hùng mạnh. Thứ hai là xây dựng nền kinh tế tự cường và thứ ba là đảm bảo an ninh, xã hội, quốc phòng của đất nước và văn hóa dân tộc.

Ông Phan Hữu Thắng cũng cho rằng, Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài, thị trường này chi phối đời sống của rất nhiều thành phần kinh tế Việt Nam, kể cả cá nhân và doanh nghiệp.

Về làn sóng dịch chuyển FDI vào Việt Nam, chuyên gia này cho rằng, mọi thứ không dễ như vậy. Xu hướng chuyển dịch ở đây, theo ông Thắng, là chuyển dịch toàn cầu, trong đó có một phần từ Trung Quốc sang, nếu có, còn trong thực tế thì chưa phải như vậy.

Lí do là vì, không dễ dàng để "bốc" một nhà máy từ nơi này sang nơi khác, bởi chỉ là giải thể một doanh nghiệp thôi đã mất rất nhiều thời gian rồi. Do đó, trong năm 2020 thì không chắc là dòng vốn từ Trung Quốc sẽ chuyển ngay sang Việt Nam.

Nhấn mạnh cơ hội đầu tư FDI vào Việt Nam sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho rằng, làn sóng đó không giống như mọi người đã tưởng. Từ những bài học đắt giá của thu hút FDI thời gian trước, đại diện Tập đoàn Sunhouse hy vọng lần đón vốn này được tiến hành hiệu quả và có chiều sâu.

"Phải tự chủ đến 80% GDP thì mới được coi là nền kinh tế tự cường. Việc đứng giữa, chỉ nhập vào xuất ra, khiến Việt Nam chỉ kiếm được 1 chút về nhân công. Tuy nhiên, sau này, con cháu chúng ta sẽ phải xử lý tồn dư hóa chất độc hại trong nước, trong đất từ quá trình này. Cái chúng ta nhận được bây giờ chả đáng là bao", ông Phú nhấn mạnh.

Đáng chú ý, nhận định về đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này, ông Nguyễn Xuân Phú cũng cho rằng việc dịch chuyển nhà máy là rất khó. Trong khi các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam cũng là điều khó. Chính vì vậy, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam.

Xúc tiến đầu tư có địa chỉ

Nhấn mạnh chúng ta cần những khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, hiện việc thẩm định cấp giấy đăng ký kinh doanh về đầu tư nước ngoài, trừ những lĩnh vực như dầu khí, bảo hiểm, ngân hàng là do Thủ tướng và các cơ quan chuyên ngành quyết định, các lĩnh vực còn lại do các địa phương, Ban quản lý KCN, khu chế xuất quyết định.

Vì thế, biện pháp quan trọng nhất là nâng cao năng lực của các bộ phận tham mưu bao gồm các sở, ban ngành của tỉnh, cơ quan của Ban quản lý để tham mưu cho các Ban quản lý biết cách lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư phù hợp với định hướng mới đã được Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài nêu rất rõ.

Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, GS Nguyễn Mại cho rằng, không cần lo lắm về các nhà đầu tư khu vực châu Á, bởi chúng ta đã hiểu và biết cách làm ăn với họ. Ông lưu ý, gần đây có thông tin quan trọng là trong 67% các doanh nghiệp định chuyển ra khỏi Trung Quốc thì 42% là định chuyển sang Việt Nam.

Theo GS. Nguyễn Mại, cái chúng ta cần là những khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, robot, như big data, fintech… Muốn vậy chúng ta cần phải tiếp cận được nhà đầu tư từ châu Âu và Mỹ. Và đó là nhược điểm hiện nay chúng ta chưa làm được.

Vì vậy, vấn đề hiện nay là phải xúc tiến đầu tư có định hướng, tránh những xúc tiến đầu tư chung chung. Sắp tới, phải xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Đơn cử, phải giống như TPHCM là phải xây dựng một khu đô thị gọi là “thành phố trong thành phố”, phải tìm kiếm được các tập đoàn lớn của châu Âu và Mỹ và những nhà đầu tư quan tâm đến TPHCM để bàn bạc với họ, và có thể mất rất nhiều thời gian đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng.

“Đây là cách làm hoàn toàn mới. Nếu như trước đây chúng ta xúc tiến đầu tư đại trà thì giờ là xúc tiến đầu tư có địa chỉ - người ta cần mình và mình cần người ta”, GS Nguyễn Mại nói.

Hoài Anh