Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6,5%

18:04 13/06/2021

Mới đây, công bố về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN.

Các tổ chức kinh tế và chuyên gia trong nước cũng đánh giá khá lạc quan về khả năng trưởng GDP các tháng cuối năm. Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6,5%.

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm và GDP cả năm 2021 có thể đạt mức tăng từ 6,1% - 6,3%.

Còn TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính - cũng dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ đạt trên 6%. 

  Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6,5% nhưng nhiều thách thức.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), để đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải trên mốc 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp và nguồn cung vaccine vẫn còn hạn chế.

Trao đổi với PV Lao Động chiều, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cấp cao - nhấn mạnh: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP năm 2021 mức 6,5% nhưng đây là mức tăng trưởng rất thách thức khi dịch COVID-19 tác động lên nền kinh tế toàn cầu và làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã lan rộng ở Việt Nam với diễn biến phức tạp hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề chính hiện nay là làm sao để cứu được các doanh nghiệp đang rất lao đao vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, bởi 97% các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề là cần làm gì để vực lại khu vực kinh tế tư nhân nhỏ lẻ này.

“Nhiều lần tôi đã đề nghị có gói giải cứu các doanh nghiệp, xây dựng theo hình thức tổ hợp tín dụng, không phải là quỹ theo kiểu bỏ tiền vào quỹ để chi ra. Đây là tổ hợp của tất cả ngân hàng phải tham gia. Mỗi ngân hàng tham gia với tỉ lệ khoảng 3% trên tổng dư nợ hiện tại của mình. Nếu các ngân hàng trong nước cùng tham gia với tỉ lệ đó thì hạn mức cho cả gói của tổ hợp tín dụng sẽ lên khoảng 300 nghìn tỉ đồng", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ và nhấn mạnh: Vấn đề chính là kiểm soát dịch bệnh. Vaccine là vấn đề tiên quyết mà các nước đang thực hiện. Tất cả các quốc gia, ví dụ ngay tại Mỹ cũng đang tạo ra miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng chỉ có thể xảy ra nếu 70-80% người dân của quốc gia đó đã được tiêm chủng.

“Từ nay đến cuối năm còn 6 tháng nữa, ít nhất chúng ta phải đạt được 30% dân số được tiêm chủng, sang năm 2022 tiếp tục để có thể 70-80% dân số được tiêm vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng, có như vậy mới có thể khống chế được dịch bệnh để ổn định sản xuất” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

P.V