![]() |
Đồng USD tăng vọt sau thỏa thuận thuế quan Mỹ - Trung. |
Đồng USD tăng mạnh, và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất trong gần một tháng, sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý tạm thời giảm thuế nhập khẩu trong 90 ngày — một bước đột phá bất ngờ trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
![]() |
Chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh (DXY) đã tăng tới 1% trong ngày thứ Hai (12/5) (Ảnh: Trading Economics). |
Cụ thể, chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh (DXY) tăng tới 1%, trong khi đồng yên Nhật, 1 loại tài sản trú ẩn truyền thống, lại giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng 7 điểm cơ bản lên 4,45%. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán từ châu Âu đến Mỹ đều bật tăng mạnh.
Ông Nigel Green, Giám đốc điều hành Tập đoàn deVere nhận định: “Việc giảm thuế quan một cách có phối hợp, dù chỉ là tạm thời, đã thay đổi bối cảnh đầu tư. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp định hình lại triển vọng, và giúp thị trường tăng trưởng dựa trên cơ sở thực tế hơn là chỉ dựa vào hy vọng”.
Các hợp đồng tương lai chỉ số Nasdaq 100 tăng tới 3,9% và S&P 500 tăng 3,1%. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 tăng 1,2%, trong đó các cổ phiếu vận tải biển như A.P. Moller-Maersk và Hapag-Lloyd tăng lần lượt 13% và 10%. Các cổ phiếu ngành ô tô gồm Stellantis, Mercedes-Benz và BMW cũng tăng hơn 5%.
Tuy nhiên, đà tăng lần này bị hạn chế phần nào do Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ yêu cầu cắt giảm giá thuốc kê đơn tại Mỹ, khiến cho cổ phiếu các hãng dược phẩm lao dốc.
Đáng chú ý, thỏa thuận giảm thuế lần này được cho là “mạnh hơn dự kiến”. Theo đánh giá của ông David Kruk, trưởng bộ phận giao dịch tại La Financière de l’Echiquier: “Đối với những nhà đầu tư giữ quan điểm tiêu cực kể từ khi thuế quan được áp, đây là một ‘cơn đau thực sự’. Không còn cơ hội ‘bắt đáy’ nữa, và việc tham gia thị trường lúc này trở nên khó khăn hơn”.
Đồng franc Thụy Sĩ và đồng euro đều giảm mạnh so với USD. Đồng euro mất tới 1,5% xuống còn 1,1084 USD – mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ đầu năm.
Ông Valentin Marinov, trưởng bộ phận chiến lược FX tại Crédit Agricole nhận xét: “Thỏa thuận này tạo động lực cho các tài sản rủi ro thuộc khối G-10, đặc biệt là các đồng tiền hàng hóa và USD. Nỗi lo tăng trưởng của Mỹ giảm bớt đang củng cố niềm tin vào tài sản định giá bằng USD”.
Sự xoay chiều trong kỳ vọng chính sách tiền tệ cũng đang nhanh chóng diễn ra. Giao dịch hoán đổi lãi suất hiện nghiêng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9, thay vì tháng 7 như dự kiến tuần trước. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng được kỳ vọng sẽ cắt giảm tổng cộng 50 điểm cơ bản trong năm nay.
Dù thị trường có phần lạc quan, một số nhà phân tích vẫn duy trì quan điểm thận trọng. Theo ông Mohamad Al-Saraf từ Ngân hàng Danske: “Dù thỏa thuận này mang lại chút nhẹ nhõm cho tài sản Mỹ, nhưng các yếu tố vĩ mô dài hạn — như triển vọng kinh tế không rõ ràng và xu hướng tái phân bổ vốn toàn cầu — vẫn có thể là lực cản đối với đồng USD trong thời gian tới”.
![]() Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận cắt giảm mạnh thuế quan trong 90 ngày tới, mở ra bước đột phá đầu tiên trong nỗ lực tháo gỡ căng thẳng thương mại kéo dài. |
![]() Giới đầu tư toàn cầu đang cắt giảm tiếp xúc với tài sản Mỹ, phản ánh làn sóng dịch chuyển vốn đang hình thành, trong bối cảnh lo ngại về chính sách thuế quan và đồng USD suy yếu gia tăng. |
![]() Giữa chiến tranh thương mại, các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh tự chủ công nghệ, loại bỏ linh kiện và công nghệ nhập khẩu – báo hiệu xu hướng thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. |