![]() |
Làn sóng dịch chuyển vốn: Nhà đầu tư toàn cầu rút khỏi tài sản Mỹ. |
Các quỹ hưu trí và nhà đầu tư tổ chức toàn cầu đang bắt đầu giảm tỷ trọng tài sản định giá bằng USD, chuyển hướng sang thị trường châu Âu – một động thái mà nhiều chuyên gia cảnh báo có thể đánh dấu sự khởi đầu của một xu hướng dài hạn mới.
Theo các ngân hàng lớn Phố Wall, những nhà quản lý hàng nghìn tỷ USD tài sản đang dần cắt giảm tiếp xúc với thị trường Mỹ, do lo ngại về chính sách thương mại thiếu ổn định, các tuyên bố công kích từ Tổng thống Donald Trump nhằm vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và khả năng Fed bị mất độc lập.
“Nó đang diễn ra – chậm nhưng chắc chắn. Châu Âu hiện có mức định giá hấp dẫn, và các yếu tố như gói chi tiêu quốc phòng của Đức trở thành chất xúc tác tăng trưởng mới”, ông Luca Paolini, chiến lược gia trưởng tại Pictet Asset Management, nhận định.
![]() |
Tương quan sự biến động của hai chỉ số chứng khoán Stoxx 600 (châu Âu) và S&P 500 (Mỹ), cho thấy có sự dịch chuyển vốn vào thị trường châu Âu (Ảnh: Financial Times). |
Một khảo sát của Bank of America ghi nhận mức cắt giảm phân bổ cổ phiếu Mỹ “lớn nhất từ trước tới nay” trong tháng 3/2025, đồng thời cho thấy dòng vốn chảy mạnh sang cổ phiếu châu Âu ở mức cao nhất kể từ năm 1999.
Theo dữ liệu của Morningstar, các quỹ ETF tại châu Âu đầu tư vào tài sản Mỹ đã ghi nhận rút ròng tới 2,5 tỷ euro trong tháng 4/2025 – cao nhất kể từ đầu năm 2023. Xu hướng này tiếp diễn trong tháng 5 với cổ phiếu, dù các ETF trái phiếu có hồi phục nhẹ.
Sự sụt giảm giá trị đồng USD – đã mất hơn 7% từ đầu năm – và dòng vốn vào trái phiếu chính phủ Đức phản ánh rõ hơn xu hướng “tìm nơi trú ẩn ngoài nước Mỹ”. Nhiều ngân hàng đầu tư cũng ghi nhận hoạt động bán USD và mua euro liên tục từ các nhà đầu tư tổ chức.
“Gần đây chúng tôi mới bắt đầu thấy làn sóng bán USD thực sự từ khối nhà đầu tư tổ chức”, ông Thanos Vamvakidis, trưởng bộ phận chiến lược FX tại Bank of America chia sẻ.
Tại châu Âu, nhiều quỹ lương hưu đang hành động. Quỹ hưu trí Veritas của Phần Lan đã giảm tỷ trọng cổ phiếu Mỹ trong quý I/2025. CIO Laura Wickström nêu rõ: “Định giá quá cao và sự thiếu minh bạch trong chính sách thuế quan khiến chúng tôi đặt câu hỏi về mức phí định giá đó”.
Tại Úc, UniSuper – quỹ quản lý 149 tỷ AUD (95,8 tỷ USD) – cũng đang cân nhắc lại sự phụ thuộc vào tài sản Mỹ. “Thành thật mà nói, tôi tin rằng chúng ta đã chứng kiến đỉnh của đầu tư vào tài sản Mỹ”, CIO John Pearce phát biểu.
Bên cạnh đó, các quỹ hưu trí Đan Mạch cũng, lần đầu tiên kể từ năm 2022, bán ra cổ phiếu Mỹ trong quý I/2025, đồng thời tăng mạnh đầu tư vào cổ phiếu châu Âu – nhiều nhất từ năm 2018.
Theo BNP Paribas, nếu các quỹ châu Âu điều chỉnh phân bổ về mức năm 2015, họ có thể bán ra tới 300 tỷ euro (khoảng 337 tỷ USD) tài sản định giá bằng USD.
![]() |
Đồng USD liên tục suy yếu kể từ đầu năm 2025, sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ (Ảnh: Trading Economics). |
Dù dòng vốn đảo chiều là thực tế, các chuyên gia thừa nhận thị trường Mỹ vẫn giữ vị thế độc tôn về thanh khoản và quy mô, đặc biệt với thị trường trái phiếu chính phủ trị giá gần 30 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, ngay cả các quỹ trong nước như CalSTRS (California State Teachers’ Retirement System, trị giá 350 tỷ USD) cũng đang cân nhắc tái phân bổ.
“Việc mở chiếc hộp Pandora mang tên thuế quan có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn: các đối tác thương mại lớn bán tháo tài sản Mỹ”, CIO Scott Chan của CalSTRS cảnh báo.
Thực tế, sự sụt giảm của đồng USD đã khiến lợi suất đầu tư của các quỹ không phòng ngừa tỷ giá bị ảnh hưởng nặng. Ước tính, nếu nhà đầu tư châu Âu khôi phục mức hedging như trước đại dịch, có thể phát sinh giao dịch phòng hộ tới 2.500 tỷ USD – gây thêm áp lực lên USD. Dù vậy, không phải ai cũng sẵn sàng rút vốn ngay.
“Chúng tôi vẫn đang tranh luận nội bộ về ‘sự vượt trội’ dài hạn của Mỹ. Lịch sử cho thấy: đặt cược chống lại thị trường Mỹ chưa bao giờ là nước cờ khôn ngoan”, một nhà đầu tư chia sẻ.