Đóng góp ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

14:39 19/09/2022

Sau 17 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Trong phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 diễn ra vào sáng 19/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Sau 17 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày tờ trình dự án luật về những bất cập và bổ sung những bất cập đó như sau:

Đầu tiên, Luật Giao dịch điện tử hiện hành loại trừ, không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đãng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

Dự thảo luật sửa đổi đã bỏ loại trừ này để mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội. Việc mở rộng cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, nhưng không hàm ý bắt buộc. Các lĩnh vực chưa phù hợp áp dụng giao dịch bằng phương tiện điện tử theo quy định của luật chuyên ngành liên quan thì áp dụng theo quy định tại luật đó.

Thứ hai, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy... Chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.

Dự thảo sửa đối, quy định chi tiết cách thức xác định giá trị pháp lý cùa thông điệp dữ liệu. Bô sung quy định điều kiện đàm bảo giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại. Dự thảo cũng bổ sung quy định về chứng thư điện tử.

Thứ ba, các quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn thiếu quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động.

Tờ trình bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử và chừ ký số, đồng thời chi tiết việc sử dụng, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài. Quy định về dịch vụ tin cậy, trong đó bổ sung 2 dịch vụ cấp dấu thời gian và dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu. Trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, dự thảo bổ sung quy định về hợp đồng được ký kết thông qua hệ thống thông tin tự động.

Thứ tư, các quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã có, tuy nhiên cần phải bổ sung các quy định cụ thể như các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước… để bảo đảm các hoạt động của cơ quan nhà nước được ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm công tác: quản trị nội bộ, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công, giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Thứ năm, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 và chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử. Do vậy, cần cụ thể hóa nội dung này trong dự thảo Luật.

Thứ sáu, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử…

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Nhưng, nội dung này, theo nhiều ý kiến tại phiên thảo luận, cần cân nhắc kỹ về tính khả thi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chia sẻ, theo một số chuyên gia thì ở một số nước hiện nay không mở rộng giao dịch điện tử sang mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề các giao dịch liên quan đất đai và thừa kế (các vấn đề mở rộng trong dự thảo). Để thực hiện được những giao dịch điện tử như dự thảo quy định đòi hỏi một hạ tầng rất đồng bộ về mặt kỹ thuật, về mặt nhận thức và trình độ sử dụng của các chủ thể tham gia vào quản lý cũng như các bên nhân sự tham gia thực hiện những giao dịch này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc mở rộng cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, nhưng không hàm ý bắt buộc. Nếu luật chỉ nói là hàm ý không bắt buộc thì cũng chưa đủ, trong khi dự thảo Luật Giao dịch điện tử phải quy định quyền của công dân được thực hiện những giao dịch trên các bộ luật khác đã quy định. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quy định của luật phải tạo thuận lợi cho người dân, không được đặt thêm các điều kiện bắt buộc.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu nguyên tắc luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng, đảm bảo chi phí thấp hơn trong môi trường thực và làm phong phú hơn các loại giao dịch trên môi trường số, tránh việc môi trường số phức tạp lại đắt hơn, đồng thời phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng. Luật cũng quy định là ngay cả khi giao dịch điện tử đã sẵn sàng thì người dân vẫn có quyền lựa chọn hoặc là offline hoặc là online.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Giao dịch điện tử là luật khó, có nhiều thuật ngữ mới có tính trừu tượng cao. Bộ trưởng sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để có thể có được một bộ luật về một vấn đề mới, trừu tượng nhưng lại rất dễ hiểu để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số toàn dân và toàn diện.

Huyền Vi (t/h)