Doanh nhân đóng góp một số ý kiến thiết thực để TP. Hồ Chí Minh phát triển bền vững

11:17 25/03/2021

Chương trình “Lãnh đạo thành phố đối thoại, gặp gỡ doanh nhân trẻ năm 2021” được cộng đồng doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh đóng góp một số ý kiến thiết thực để phát triển thành phố bền vững.

Ngày 24/3 diễn ra Chương trình đối thoại với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh là dịp để đội ngũ doanh nhân trẻ thành phố được đóng góp sáng kiến, bày tỏ nguyện vọng, gửi gắm những kiến nghị đến lãnh đạo thành phố, tiếp tục phát huy nguồn lực doanh nhân trẻ trong một bối cảnh mới.

Xuyên suốt buổi đối thoại, cộng đồng doanh nhân trẻ đã tập trung đề xuất, hiến kế với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trên 5 phạm vi chiến lược: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ cho doanh nghiệp (DN); chính sách thúc đẩy đầu tư, giao thương; đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch, hạ tầng; thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; sáng kiến hợp tác công tư với các dự án lớn có tầm ảnh hưởng của thành phố, để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển bền vững và giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của của nước. 

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tại Chương trình “Lãnh đạo thành phố đối thoại, gặp gỡ doanh nhân trẻ năm 2021”
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tại Chương trình “Lãnh đạo thành phố đối thoại, gặp gỡ doanh nhân trẻ năm 2021”.

Mỗi ý kiến trên các nhóm chủ đề đều đệ trình những sáng kiến, hiến kế cụ thể. Trên góc độ chuyển đổi số, nhiều doanh nhân cho rằng, TP. Hồ Chí Minh nên hình thành Quỹ hỗ trợ DN chuyển đổi số, với những ưu đãi cho cả các công ty công nghệ lẫn các công ty trong quá trình đầu tư chuyển đổi số. Mặt khác, xu hướng đầu tư các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển từ các DN tư nhân lớn cũng cần được khuyến khích.

Điểm nóng trong các ý kiến cũng tập trung vào vấn đề nguồn nhân lực công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều doanh nhân cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần có những chiến lược phù hợp và kêu gọi nguồn lực cho việc đầu tư nguồn nhân lực công nghệ vì đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của thành phố trong tương lai.

Bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đầu tư công nghệ là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay của DN, nhất là DN khởi nghiệp. Đây là chiến lược dài hạn, thành phố cần có chương trình, chính sách thiết thực hỗ trợ DN trong lĩnh vực này, vì đây là môi trường tốt nhất cho DN khởi nghiệp. 

Bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh: TP. Hồ Chí Minh cần có chương trình, chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh: TP. Hồ Chí Minh cần có chương trình, chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Với các hoạt động tích cực và năng động, Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh cũng tiên phong đề xuất chủ trì các dự án phù hợp, trong đó đặc biệt hướng đến hoạt động liên kết kinh tế vùng, hợp tác quốc tế, các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ và chuyển đổi số… Đồng thời, mong muốn đồng hành cùng thành phố thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra trong các giai đoạn tới.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ghi nhận toàn bộ các ý kiến của các doanh nhân trẻ. Đồng thời cho biết sẽ cập nhật các “hiến kế” khả thi vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố quý 1/2021.

Người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, từ thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới cho thấy chính các DN, doanh nhân đã tạo nên “một làn gió mới” cho sự phát triển của thành phố.

Với hơn 440 nghìn DN đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54,7% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm sáng về khởi nghiệp. Trong đó DN, doanh nhân là một bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của thành phố.

TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế. Tính đến nay, thành phố đã có 40 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng từ đợt dịch bệnh cận Tết vừa qua. Do đó, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh mong muốn, các doanh nhân trẻ thành phố tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để ủng hộ và hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch, đồng thời là một trong những chiến sĩ xung kích trên mặt trận kinh tế, nắm bắt nhanh cơ hội trong thách thức, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để ứng phó với những tình huống phát sinh, góp phần đưa kinh tế thành phố vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch.

Hiện TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số. Do đó, TP. Hồ Chí Minh đề nghị các DN, doanh nhân cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngay từ bây giờ, nhất là chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số. Trong đó, gắn chuyển đổi số với chiến lược kinh doanh của DN. Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để DN, doanh nhân tham gia vào Chương trình chuyển đổi số của thành phố.

TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, trình UBND thành phố ban hành trước ngày 31/3/2021 như một cam kết mạnh mẽ của thành phố đối với DN, doanh nhân”, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang bổ sung, hoàn chỉnh Chương trình kích cầu đầu tư để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn mới và sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố trong tháng 7/2021. Đề nghị các DN, nhất là các doanh nhân trẻ hãy tham gia tích cực hơn nữa cùng thành phố trong việc hoạch định chính sách đầu tư, sản xuất kinh doanh với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ dn sản xuất sản phẩm chất lượng cao và từng bước khẳng định thương hiệu.

Tại buổi đối thoại, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 4 cá nhân thuộc Hội Doanh nhân trẻ thành phố.

PV