Những ngày gần đây, Việt Nam đang chứng kiến dịch bệnh lây lan mạnh trở lại, với gần 1000 ca nhiễm mới phát hiện trong vòng một tuần lễ. Lo ngại dịch bệnh, ngành vận tải cũng trở nên ngưng trệ, nhiều tỉnh thành dừng các tuyến xe liên tỉnh.
Cụ thể, toàn mạng đường sắt quốc gia chỉ còn 2 đoàn tàu khách hoạt động và khoảng 10 đoàn tàu hàng mỗi ngày. Trong khi, thời điểm chưa có dịch bệnh, mỗi ngày, riêng tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh khai thác 40 đoàn tàu (chưa kể các tuyến đường nhánh).
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, lượng khách đi tàu những ngày gần đây giảm tới 90% so với trước thời điểm dịch tái bùng phát. Cụ thể, trong ngày 13/5, tàu khách chỉ thu 600 triệu đồng tiền vé, tàu hàng đạt khoảng 5 tỷ đồng, trong khi bình thường tổng doanh thu đường sắt mỗi ngày trên 10 tỷ đồng. Tàu khai thác giảm, 50-60% lao động phục vụ chạy tàu phải nghỉ luân phiên.
Hay như ở ngành hàng không, Vietnam Airlines cho biết, khi dịch chưa tái bùng phát, ngày cao điểm hãng khai thác 500 chuyến bay nội địa, nay chỉ duy trì khoảng 65 chuyến/ngày (tương ứng mỗi đường bay chỉ còn 1 chuyến/ngày). Tỷ lệ lấp đầy ghế mỗi chuyến bay cũng chỉ đạt 50%.
Thông tin từ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), khách qua sân bay này giảm mạnh những ngày gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, dịp lễ 30/4 - 1/5, ngày cao điểm nhất sân bay phục vụ 540 chuyến bay với 79.000 hành khách. Từ khi dịch tái bùng phát, bình quân chỉ còn 200 chuyến bay với 15.000 khách/ngày. Thậm chí ngày 12-13/5, sân bay lớn thứ nhì của Việt Nam chỉ có 90 chuyến bay nội địa với 9.000 khách.
Theo lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, dự kiến số lượng chuyến bay và khách qua cảng tiếp tục giảm trong những ngày tới.
Mới đây, Bộ GTVT đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh căn cứ tình hình thực tế của dịch bệnh COVID-19 tại địa phương quyết định việc dừng, giãn, hoãn, điều chỉnh tần suất hoạt động vận chuyển trên toàn tỉnh (hoặc tại địa bàn trong tỉnh) đối với các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh/liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt trong địa bàn tỉnh/liên tỉnh; hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân; bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
Hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt có hành trình qua tỉnh hoặc địa bàn tỉnh (vùng có dịch) không được dừng, đỗ tại tỉnh hoặc địa bàn tỉnh (vùng có dịch) đó để đón, trả khách.
Các hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt (không qua tỉnh hoặc địa bàn tỉnh (vùng có dịch) thực hiện bình thường.
Đối với lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, Bộ GTVT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ tình hình thực tế quyết định việc dừng, giãn, hoãn, điều chỉnh tần suất hoạt động vận chuyển hành khách của các tuyến vận tải thủy nội địa, hàng hải và các tuyến từ bờ ra đảo nội tỉnh/liên tỉnh; không hạn chế khai thác đối với các chuyến tàu không vận chuyển hành khách.
Riêng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam theo dõi tình hình thực tế và đề xuất kịp thời các phương án vận tải, bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19.
Quá trình quản lý hoạt động vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cục liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, nhà ga, bến tàu, bến xe, cảng hàng không, sân bay thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu 5K của Bộ Y tế, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn chống dịch; xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Với chỉ đạo trên, thời gian tới vẫn sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải có thể khôi phục hoạt động.
Hà Linh