Doanh nghiệp toàn cầu cần sẵn sàng cho hệ sinh thái thanh toán mới (Ảnh: Pexels). |
Gần đây, gã khổng lồ thương mại điện tử Taobao đã gây chú ý khi thông báo sẽ cung cấp thêm nhiều tùy chọn thanh toán, bao gồm WeChat Pay, cho người mua sắm tại Trung Quốc. Việc tích hợp các phương thức thanh toán cạnh tranh không chỉ là phản ứng trước áp lực từ cơ quan quản lý, mà nó còn phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về sự linh hoạt và đa dạng trong trải nghiệm thanh toán.
Khi kỳ vọng của người tiêu dùng thay đổi, các doanh nghiệp trong nhiều ngành công nghiệp phải đối mặt với một thực tế nghiêm trọng: khả năng cung cấp trải nghiệm thanh toán đa dạng và liền mạch không còn là lợi thế cạnh tranh mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, đặc biệt đối với các doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Dù các tín hiệu thị trường đã rất rõ ràng, nhiều công ty vẫn chần chừ đáp ứng nhu cầu khách hàng vì sự phức tạp trong hạ tầng thanh toán và nguồn lực cần thiết để thay đổi. Tuy nhiên, việc trì hoãn những thay đổi không thể tránh khỏi đang khiến chi phí cơ hội của sự bất động ngày càng gia tăng.
Thanh toán không còn là hoạt động phụ trợ
Theo một cuộc khảo sát gần đây với các nhà lãnh đạo ngành thanh toán tại Singapore, Pháp, Úc và Anh, cứ 5 người thì có 4 người nhận định công nghệ thanh toán của họ cần được thay thế hoặc cải tổ toàn diện. Tuy nhiên, họ đang gặp phải nhiều trở ngại – trong đó nền tảng kỹ thuật là một trong những vấn đề lớn nhất.
Nhiều công ty, đặc biệt là những đơn vị sớm tham gia thương mại điện tử, vẫn dựa vào hệ thống thanh toán được xây dựng từ hơn một thập kỷ trước. Về cơ bản, các hệ thống này chưa bao giờ được thiết kế cho bối cảnh kỹ thuật số phát triển nhanh như hiện nay. Để thích nghi, các đội ngũ thanh toán đã thực hiện những thay đổi mang tính cục bộ, và điều này giống như việc dán băng cứu thương lên một vấn đề mang tính hệ thống sâu sắc hơn.
Hậu quả là theo thời gian, hệ thống này ngày càng trở nên phức tạp, khó quản lý và bị cài cắm sâu trong quy trình vận hành. Dù các chuyên gia thanh toán nhận ra nhu cầu cải tổ, một thách thức khác nằm ở sự thiếu đồng thuận từ ban lãnh đạo, cùng với tư duy ngắn hạn.
Theo đó, cuộc khảo sát cũng cho thấy hơn 75% số người được hỏi tin rằng các lãnh đạo không xem thanh toán là ưu tiên hàng đầu, mà thay vào đó đây là một loại chi phí của công ty. Nhiều vị lãnh đạo không nhận ra rằng thanh toán có thể là động lực doanh thu. Ngược lại, các vấn đề như gian lận, tỷ lệ chấp thuận thanh toán thấp và thiếu dữ liệu thống nhất trong hệ sinh thái thanh toán có thể âm thầm làm hao hụt doanh thu theo thời gian.
Một nghiên cứu của LexisNexis đã chỉ ra rằng, mỗi USD bị mất do gian lận tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khiến các công ty tốn tới 2,91 USD, và 75% doanh nghiệp trong khu vực cho biết gian lận ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi khách hàng. Càng phớt lờ các vấn đề trong thanh toán, nguy cơ những vấn đề này leo thang càng lớn.
Các rào cản thanh toán đang được gỡ bỏ
Trước đây, chiến lược của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán (PSP) lớn tập trung vào việc cung cấp giải pháp toàn diện, “khóa” khách hàng và “sở hữu” chuỗi giá trị thanh toán bằng cách đề xuất các dịch vụ giá trị gia tăng như ngăn chặn gian lận, lập hóa đơn hoặc giải pháp thuế.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế toàn cầu, nơi các doanh nghiệp muốn mở rộng sang các thị trường mới, áp lực đối với các PSP hiện tại ngày càng gia tăng trong việc quản lý mạng lưới phức tạp về quy định, phương thức thanh toán, chi phí và rủi ro.
Năm 2024 đã chứng kiến sự chuyển hướng từ mô hình tất cả trong một sang cách tiếp cận mô-đun của các PSP lớn.
Các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nhiều dịch vụ khác nhau trong suốt vòng đời giao dịch, nhận ra rằng các PSP truyền thống có thể không cung cấp giải pháp tối ưu cho mọi nhu cầu. Đáp lại, các nhà cung cấp lớn như Stripe đã tách rời dịch vụ thanh toán khỏi các dịch vụ khác, hướng tới một hệ sinh thái bao trùm hơn, công nhận nhu cầu tương thích lẫn nhau.
Khi hệ sinh thái thanh toán tiếp tục phát triển, việc doanh nghiệp tự quản lý nhiều dịch vụ trong hệ thống thanh toán chỉ càng gia tăng áp lực về nguồn lực kỹ thuật và đối soát dữ liệu...
Ngoài thời gian và nguồn lực để thêm phương thức thanh toán mới, hạ tầng thanh toán cần phải phát triển cùng doanh nghiệp, hỗ trợ chia sẻ dữ liệu giữa các PSP để thúc đẩy tăng trưởng, cung cấp thông tin theo thời gian thực nhằm tăng tỷ lệ chấp thuận và nhiều yếu tố khác. Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp bắt kịp?
Cần nhiều hơn các giải pháp thanh toán “sẵn có”
Ngày nay, chiến lược thanh toán của doanh nghiệp phải phục vụ người tiêu dùng toàn cầu. Lấy ví dụ ngành du lịch, nơi phải làm việc với nhiều loại tiền tệ và đáp ứng sở thích tiêu dùng khác biệt theo từng khu vực.
Pelago, nền tảng trải nghiệm du lịch của Singapore Airlines, cho biết không thể vận hành một doanh nghiệp toàn cầu chỉ với một nhà xử lý thanh toán duy nhất. Thay vào đó, họ áp dụng cơ sở hạ tầng thanh toán thống nhất để truy cập nhiều nhà xử lý nhằm đáp ứng sở thích thanh toán địa phương và tăng cường năng lực bảo vệ chống gian lận trên các thị trường.
Các quy định tại từng thị trường ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh, và các chiến lược tối ưu hóa thanh toán xuyên biên giới khác nhau là cần thiết để duy trì tỷ lệ thành công trong thanh toán. Chi phí và sự chậm trễ liên quan đến thanh toán ngoại tệ và xuyên biên giới vẫn là điểm đau lớn nếu không được quản lý hiệu quả, nhưng cũng có thể trở thành lợi thế chiến lược.
Do đó, doanh nghiệp toàn cầu cần điều chỉnh chiến lược thanh toán, tận dụng chuyên môn địa phương để hỗ trợ đổi mới và mở rộng mà không bị hạn chế bởi hạ tầng thanh toán.
Những doanh nghiệp chiến thắng sẽ là những đơn vị hành động nhanh chóng, chấp nhận thay đổi và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán có thể phát triển theo nhu cầu thị trường. Tương lai của thương mại là toàn cầu, kỹ thuật số và ngày càng đa dạng – và doanh nghiệp phải sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu này.