Trong nhiều năm qua, kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Bởi vậy, SMEs chiếm tới khoảng 98% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc, đóng góp khoảng 45% GDP và 31% ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) xuất hiện ngày càng nhiều và nở rộ tại Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, lực lượng SMEs đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp 48% vào GDP cả nước và tạo ra 50% số lượng việc làm của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đa phần SMEs vẫn còn một số hạn chế nhất định như: trình độ công nghệ lạc hậu, mô hình quản trị doanh nghiệp còn yếu, năng suất lao động thấp, kém minh bạch về thông tin,... Những nhược điểm này phần nào đã hạn chế khả năng tiếp cận những nguồn vốn trên thị trường tài chính của các SMEs như: phát hành chứng khoán, tìm kiếm nguồn vốn từ đối tác chiến lược, thu hút vốn từ các quỹ đầu tư...
Theo số liệu thống kê, kênh tín dụng ngân hàng hiện vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng kinh doanh của SMEs. Điều này, một mặt, sẽ gây cản trở cho quá trình phát triển bền vững của các SMEs, mặt khác, cũng gây ra những áp lực về thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Vì vậy, trong bài viết này, tác giả tiến hành nghiên cứu thực trạng các kênh huy động vốn tại Việt Nam trong thời gian qua để từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác trên thị trường tài chính cho SMEs thời gian sắp tới.
Ngày càng nhiều SMEs đang tìm kiếm vốn từ các nhà đầu tư vốn rủi ro và quỹ đầu tư tư nhân. Đây là một xu hướng đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp, nơi các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển cao có thể thu hút sự quan tâm và đầu tư từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Hiện nay, cho dù việc vay vốn từ ngân hàng vẫn là một phương thức phổ biến, nhưng các SMEs phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận vốn từ ngân hàng, đặc biệt là khi không có đủ tài sản đảm bảo hoặc lịch sử tín dụng không tốt. Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng đang tăng cường hỗ trợ vốn cho SMEs thông qua các khoản vay nhỏ và quy trình đánh giá linh hoạt hơn.
Cụ thể, các SMEs ngày càng tìm kiếm các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư xã hội và các tổ chức tài trợ có mục tiêu xã hội. Điều này phản ánh xu hướng tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và sự quan tâm đến các vấn đề bền vững. Quỹ đầu tư xã hội và các tổ chức tài trợ tương tự cung cấp vốn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mục tiêu xã hội.
Ngoài ra, các nền tảng gây quỹ trực tuyến và quỹ cộng đồng đã mở ra cơ hội mới cho SMEs huy động vốn từ cộng đồng. Thông qua việc thu hút sự quan tâm và đóng góp từ các nhà đầu tư tiềm năng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tăng cường nguồn vốn một cách hiệu quả.
Đặc biệt, sự hợp tác kinh doanh với các đối tác có quy mô lớn hơn cũng là một phương thức huy động vốn ngày càng phổ biến. Bằngcách hợp tác với các công ty trong cùng ngành hoặc các đối tác chiến lược, SMEs có thể chia sẻ nguồn lực, kỹ năng, và giảm thiểu rủi ro. Hợp tác kinh doanh cũng mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới và mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như vậy, xu hướng huy động vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trải qua sự thay đổi trong thời gian gần đây. Vốn rủi ro, quỹ đầu tư tư nhân, huy động vốn từ ngân hàng, quỹ đầu tư xã hội, gọi vốn từ cộng đồng và hợp tác kinh doanh đều là những xu hướng đáng chú ý. Để thành công trong việc huy động vốn, SMEs cần xem xét kỹ lưỡng và lựa chọn phương thức phù hợp với tình hình cụ thể của doanh nghiệp và mục tiêu phát triển của mình.
Nhân Hà