Doanh nghiệp nhỏ, đóng góp lớn

23:55 22/03/2022

Việc khối SME được nhận rất nhiều ưu đãi của chính phủ như: đưa các gói hỗ trợ tài chính có lãi suất thấp; đơn giản hóa thủ tục hành chính; thiết kế các giải pháp bền vững, giúp các doanh nghiệp kết nối với các sân chơi quốc tế…thì khối doanh nghiệp SME sẽ còn lớn mạnh, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thì hiện nay nước ta có khoảng 800 ngàn doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm tới trên 98%. Trong tổng số 98% đó, thì số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 1,6%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ, nhưng sự đóng góp cho nền kinh tế lại rất lớn. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOI SME), Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh cho biết, hàng năm, khối doanh nghiệp SME đóng góp 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút 60% lượng lao động trên cả nước.

Đó là những con số rất đáng tự hào. Và nếu đặt chúng bên cạnh những “ông” khổng lồ, được đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng nhằm tạo nên những “quả đấm thép” cho nền kinh tế của đất nước như Vinashin; Vinalines…nhưng phá sản hoặc nợ đầm nợ đìa, kinh doanh thua lỗ dưới bàn tay của những kẻ chỉ biết “gánh vàng đi đổ sông Ngô”, thì những con số đó lại càng có ý nghĩa.

Sở dĩ có sự đóng góp lớn như vậy, vì thứ nhất là khối SME được nhà nước và Chính phủ tạo mọi điều kiện cho việc hình thành và phát triển. Khi còn làm Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu nước ta có 1 triệu doanh nghiệp, và ông đã làm hết sức để thực hiện mục tiêu đó. Thứ hai, là môi trường kinh doanh càng ngày càng thuận lợi. Chính điều đó đã làm cho khối SME phát triển cả về số lượng, quy mô hoạt động và nội lực kinh doanh, càng ngày càng có sự đóng góp lớn trong nền kinh tế và sự hội nhập quốc tế.

Nhưng, cũng do quy mô còn nhỏ, nên khối SME còn gặp không ít trở ngại. Trong khi các doanh nghiệp quốc doanh lớn mỗi khi gặp khó khăn, thường được các ngân hàng trợ giúp bằng cách khoanh nợ, dãn nợ, thậm chí xóa nợ…thì khối doanh nghiệp SME lại rất khó tiếp cận các nguồn vốn. Đây đó vẫn còn tư tưởng coi doanh nghiệp ngoài quốc doanh là “con nuôi nhà nước”. Điều đó dẫn đến việc các doanh nghiệp thiếu nguồn lực để đổi mới công nghệ, hiện đại hóa thiết bị, khiến cho năng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao. Và thứ hai, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, là nhìn chung, các doanh nghiệp khối SME còn thiếu kinh nghiệm quản trị, điều hành. Những nhược điểm đó khiến cho sức cạnh tranh, việc phát triển và chiếm lĩnh thị trường của chúng ta kém. Không ít trường hợp hàng hóa do các doanh nghiệp SME của chúng ta sản xuất ra bị hàng ngoại đánh bại ngay trên sân nhà, dù được nhà nước và Chính phủ hỗ trợ bằng chủ trương “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Tới đây, việc khối SME được nhận rất nhiều ưu đãi của chính phủ như: đưa các gói hỗ trợ tài chính có lãi suất thấp; đơn giản hóa thủ tục hành chính; thiết kế các giải pháp bền vững, giúp các doanh nghiệp kết nối với các sân chơi quốc tế…và nhất là một khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, thì khối doanh nghiệp SME sẽ còn lớn mạnh, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng và nhà nước.

Bút Thép