Doanh nghiệp ngoại lấn sân thị trường nội

00:00 12/10/2020

Trong khi DN trong nước đang “chao đảo” vì dịch tả lợn châu Phi bởi giá trị của đàn lợn hiện nay đang chiếm 52% toàn ngành chăn nuôi, thì các DN ngoại lại đang tận dụng cơ hội mở rộng và phát huy các lợi thế để phát triển tại Việt Nam.

Cuối tháng 4/2019, Tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Trung Quốc New Hope Group cho biết, họ vừa xây dựng 3 trang trại chăn nuôi lợn ở Thanh Hóa, Bình Phước, Bình Định với số vốn 3,8 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch của tập đoàn này, các trang trại chăn nuôi sẽ được xây dựng và nhanh chóng hoàn thành vào năm 2021, cho năng suất xuất chuồng trung bình 930 nghìn con lợn/năm.

Ảnh minh họa

Lợi thế của các DN ngoại chính là sự áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chăn nuôi, bên cạnh đó, hệ thống chuồng trại được xây dựng bài bản cũng như công tác phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt nên sản phẩm xuất ra thị trường rất ổn định và có xuất xứ rõ ràng. Trong khi đó, nền chăn nuôi tại Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên các hộ sản xuất là chủ yếu, cộng thêm quá trình chế biến vẫn còn thủ công nên khó tránh khỏi sự đuối sức so với các DN ngoại, đồng thời sản phẩm đầu ra cũng rất khó kiểm soát.

Trong số các DN ngoại đó, phải kể đến CP Vietnam - trực thuộc CP Group của Thái Lan với gần 30 năm hoạt động tại thị trường nông nghiệp Việt Nam, hiện là DN lớn nhất trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Ông Montri Suwanposri, Chủ tịch CP Việt Nam chia sẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang rất đều đặn, đồng thời lại có số lượng người trong độ tuổi lao động lớn và nền chính trị ổn định chính là những yếu tố tích cực trong các quyết định đầu tư của CP vào thị trường này từ rất sớm. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là thành viên của nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương với nhiều quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.

Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm gia cầm của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đây chính là động lực để CP quyết định đầu tư vào giai đoạn đầu tiên của một khu phức hợp chế biến và xuất khẩu thịt gia cầm hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với công suất chế biến khoảng 1 triệu con gà/tuần. Điều này giúp CP Việt Nam trở thành chi nhánh sản xuất thịt gà lớn thứ hai của tập đoàn, sau CP Thái Lan. Hiện tại, công suất chế biến thịt gà của CP Thái Lan ở mức 30 triệu con mỗi tuần, ông Montri Suwanposri cho biết. Công ty đã đầu tư 6,43 triệu baht để xây dây chuyền sản xuất gia cầm tại Bình Phước, nơi được đánh giá là có khí hậu thuận lợi cho việc sản xuất gà phục vụ cho xuẩt khẩu. Hạng mục đầu tư bao gồm một trang trại gà thịt, khu vực giết mổ.

Ông Sooksan Jiumjaiswanglert, Phó Chủ tịch CP Việt Nam cho biết, trong khi nhiều nhà đầu tư đang chuyển sang tìm kiếm cơ hội tại Myanmar thì CP vẫn đánh giá cao thị trường Việt Nam, coi đây là bước đệm để mở rộng đầu tư sang Campuchia, Lào và miền Nam Trung Quốc. Ông nhận định, nhờ sự kết nối gần gũi hơn với các nước trong khu vực, thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ có sức lan tỏa mạnh, chứ không chỉ gói gọn trong 90 triệu dân. Các nhà đầu tư vì thế sẽ có nhiều cơ hội tốt để mở rộng làm ăn sang các nước láng giềng của Việt Nam. CP Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy chế biến thực phẩm nhằm xây dựng thương hiệu. Trong hơn 5 năm qua, doanh thu của CP Việt Nam đã tăng trung bình 29%/năm.

Hiện nay, theo Cục Chăn nuôi ước tính, Việt Nam có khoảng 3 triệu cơ sở chăn nuôi lợn trên cả nước và khoảng 500 nghìn hộ chăn nuôi sẵn sàng tham gia nuôi khi lợn khi được giá. Lợn nuôi theo hướng hàng hóa chiếm đến 75% số cơ sở chăn nuôi. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có sử dụng cám công nghiệp ước khoảng 70%. Năng suất chăn nuôi lợn của Việt Nam thuộc dạng thấp, chỉ từ 17 – 24 con cai sữa/nái/năm. Trong những năm gần đây, các công nghệ hiện đại đã được chuyển giao và người chăn nuôi Việt Nam đã tiếp cận tốt. Cùng với đó, môi trường đầu tư vào chăn nuôi ở Việt Nam cũng thuận lợi, cụ thể là các chính sách khuyến khích DN, tổ chức, cá nhân đầu tư vào ngành chăn nuôi. Các DN FDI Việt Nam hiện đang hoạt động rất hiệu quả.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra 8 khó khăn chính của ngành chăn nuôi hiện nay, đó là: Sản xuất thị trường còn thiếu kết nối và điều hành tổng thể, nhiều khâu trung gian, chi phí sản xuất còn cao; dịch bệnh truyền nhiễm khó kiểm soát; Tái cơ cấu ngành còn thấp, chuyển biến chậm, tích tụ đầu tư thấp; Giết mổ chế biến chưa quản lý và quy hoạch tốt; Tổ chức sản xuất còn yếu, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm; Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, khó đi vào cuộc sống; Thể chế thiếu hoàn thiện còn vướng mắc liên quan đến đất đai, tín dụng, bảo hiểm…; Hợp tác liên kết theo chuỗi còn chưa định hình, rời rạc, liên kết chưa chặt chẽ… Đây chính là những nguyên nhân khiến DN Việt yếu thế trước sự cạnh tranh của các DN khối ngoại.

Nhìn nhận bức tranh toàn cục về ngành chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ, phải có những giải pháp cốt lõi như xây dựng chiến lược điều hành tổng thể ngành chăn nuôi; Tổ chức và quy hoạch sản xuất gắn với thị trường; Tổ chức quản lý tốt dịch bệnh, giết mổ, ATVSTP… 

Bên cạnh đó, DN và người chăn nuôi cần bắt tay xây dựng hợp tác theo chuỗi; áp dụng khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn chăn nuôi, công nghệ chuồng trại để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng thịt, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, là đầu tư vào giết mổ và chế biến thịt sâu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Hữu An