Doanh nghiệp nên chủ động nhận diện cơ hội, thách thức để tận dụng tốt hơn cơ hội từ thị trường

17:28 02/05/2023

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp nên chủ động nhận diện cơ hội, thách thức để tận dụng tốt hơn cơ hội từ thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Khó khăn đến từ nhiều phía, doanh nghiệp “trục trặc” trong vận hành

“Cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức khó khăn”, đó là thông tin được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại các diễn đàn, cuộc hội thảo diễn ra gần đây. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy, 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 56.946 doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.241 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Ảnh minh họa
Nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí sản xuất.

Bước sang tháng 4/2023, bức tranh doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn được ghi nhận tăng khá cao. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 78,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động, giảm 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng có tới 77,0 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định về con số trên, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào tăng lên, giá xăng dầu, giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào đều tăng, sắp tới giá điện cũng sẽ tăng, nhưng đầu ra lại không tăng tương xứng, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiết kiệm, chắt bóp và phải đóng cửa khi không đủ sức chống đỡ”.

Một lý do nữa khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn theo TS Lê Đăng Doanh là do kinh tế thế giới đang đối mặt với rất nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút ở nhiều quốc gia. Trong đó một số nước dự báo tốc độ tăng trưởng mấp mé 0% hoặc âm như Đức 0,1%. Hoa Kỳ cũng điều chỉnh tăng lãi suất để chống lạm phát, nên tình hình kinh tế thế giới trì trệ, trong bối cảnh đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của khu vực doanh nghiệp.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tài chính, TS Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Mọi thứ đang chuyển biến rất không thuận lợi cho doanh nghiệp do lãi suất ngân hàng cao, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, khiến những “vận hành” trong hoạt động của doanh nghiệp bị trục trặc”.

Để tháo gõ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, TS Châu Đình Linh cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã có rất nhiều chính sách kết hợp giữa tài khoá và tiền tệ để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp. Trong đó, các chính sách tiền tệ thể hiện qua các thông tư, nghị định của Ngân hàng Nhà nước về giãn, cơ cấu nợ, giảm lãi suất điều hành…

Chính phủ thì đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và gần đây nhất là Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động, ổn định sản xuất kinh doanh.

Sự kết hợp đồng bộ trong chính sách tài khoá, tiền tệ theo TS Châu Đình Linh được đánh giá như “liều thuốc kịp thời” giải quyết một phần những khó khăn hiện tại mà khu vực doanh nghiệp đang gặp phải.

Ảnh minh họa
Doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động hơn nữa trong tiếp cận thị trường, nhận diện cơ hội và thách thức trong sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp cần chủ động gỡ khó

Tuy nhiên, cũng theo TS. Châu Đình Linh, nếu so sánh với các quốc gia khác, số lượng doanh nghiệp của Việt Nam rất thấp, trong khi đó, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chiếm đa số với khoảng 98% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, điều đó khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế so với doanh nghiệp liên doanh, hay doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Chưa kể, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam rất đơn giản, tập trung vào thương mại để khai thác thị trường gần 100 triệu dân trong nước. Nên có thể nói, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ thiếu mà còn yếu” – TS Châu Đình Linh khẳng định và cho biết thêm: Doanh nghiệp của Việt Nam mỏng vốn, trong khi môi trường kinh doanh lại đang rất khó khăn, đặt đặt doanh nghiệp vào sự biến động khó khăn của môi trường kinh doanh trong nước thì việc rút lui khỏi thị trường, giải thể, phá sản là hệ luỵ tất yếu của sự phát triển doanh nghiệp khi họ không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, không chịu huy động vốn để phát triển mô hình kinh doanh của mình và không tạo ra sản phẩm tốt hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua vẫn tồn tại một số bất cập, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, làm cho doanh nghiệp “không chịu lớn”, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa thì phải lớn lên, nhưng lại “không chịu lớn”. Đây là một nghịch lý.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, nên thay vì trông chờ, ỉ lại vào chính sách hỗ trợ, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cần biết thích nghi để trong những thứ rất xấu thì lựa chọn những thứ ít xấu hơn.

Cụ thể hơn, theo TS. Châu Đình Linh: Doanh nghiệp cần phải biết thích nghi, thích ứng trước những tác động thay đổi của thị trường, vì sự thích ứng là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Nên bây giờ doanh nghiệp phải tự tăng sức đề kháng, thay đổi về tư duy, người đứng đầu doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận cái mới để thay đổi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp hơn, gần hơn với mô hình của các doanh nghiệp FDI để khai thác tốt hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường, nhận diện cơ hội và thách thức trong sản xuất kinh doanh, thay đổi tư duy, chủ động nguồn lực tài chính, con người để thích ứng với bối cảnh mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng lợi thế trên thị trường.

Nguyễn Hoà/Báo Công thương