Gỡ vướng từ thực tiễn
Theo Công ty Cổ phần Hateco Logistics, trong xu thế phát triển của thương mại điện tử trên toàn cầu, dịch vụ hậu cần (logistics) cho các trang mua bán thương mại điện tử (TMĐT) lớn trên thế giới và khu vực như Lazada, Shopee, Tiki... có nguồn hàng từ Trung Quốc được thực hiện thông qua nhập khẩu vào Việt Nam hoặc chuyển tiếp qua Việt Nam đi các nước bằng loại hình vận chuyển bằng đường hàng không rất lớn. Trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đi các nước bằng đường hàng không bị hạn chế, chi phí vận chuyển tăng cao.
Để tìm hướng đi mới, Hateco Logistics thông tin: nhiều khách hàng mua bán trên nền tảng TMĐT mong muốn được thực hiện thủ tục tiếp nhận hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Cảng hàng không quốc tế, Cảng biển và đường sắt nhập vào kho ngoại quan tại ICD Long Biên, phân loại và dán vận đơn hàng không của các công ty chuyển phát nhanh quốc tế và các hãng hàng không (AirWaybill) sau đó chuyển tiếp đi các nước qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Theo Công ty Cổ phần Hateco Logistics việc hướng dẫn thủ tục hải quan để thực hiện dịch vụ như trên sẽ tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics cho TMĐT và thúc đẩy khai thác tối đa năng lực của ICD Long Biên.
Cũng liên quan đến lĩnh vực TMĐT, Công ty Cổ phần Công nghệ Thần Tốc cho biết, công ty đã ký hợp đồng thực hiện dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế cho các sàn TMĐT Lazada, Shopee... Theo đó, hàng hoá của các sàn trên được vận chuyển bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển qua các chi cục hải quan cửa khẩu (như Chi cục Hải quan Hữu Nghị, Chi cục Hải quan Móng Cái, Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ - Hải Phòng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Nội Bài) về thực hiện thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (CPN) – Cục Hải quan Hà Nội.
Tuy nhiên, thời gian qua, các tuyến cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đóng do dịch bệnh Covid-19. Để hàng hoá không bị tồn đọng, các sàn TMĐT đã chuyển hàng gửi qua đường hàng không tới TPHCM để làm thủ tục thông quan tại Chi nhánh Công ty Thần Tốc do Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh – Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh thực hiện.
Tính chất hàng hóa của các sàn TMĐT thường là hàng phụ kiện trang trí... đơn chiếc, trị giá thấp (dưới 1 triệu đồng). Để thực hiện thủ tục, công ty đã thực hiện chia nhóm hàng hóa, thực hiện khai báo hải quan đối với hàng hóa nhóm 2 và xuất trình hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên tại Điều 6 Thông tư 56/2019/TT-BTC về hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhóm 2 quy định: Doanh nghiệp xuất trình chứng từ là “Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (đối với hàng hóa nhập khẩu): 01 bản chụp”.
Hiện nay, các sàn TMĐT Lazada, Shoppee... đã thiết lập hệ thống công nghệ thông tin để quản lý từ khâu đặt hàng, xuất hàng tồn kho và kết nối với các hệ thống tại nước xuất khẩu, khai báo hải quan nước xuất khẩu và cung cấp dữ liệu cho người đặt hàng, người gửi hàng và hãng vận chuyển để làm chứng từ vận tải. Do quy định tại Điều 6 Thông tư 56/2019/TT-BTC về “ Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải đơn tương đương” chưa dẫn chiếu tiêu chí cụ thể nên khó khăn khi thực hiện khai báo.
Chính vì vậy, công ty đề nghị các sàn TMĐT cung cấp dữ liệu qua hệ thống để sử dụng cung cấp cho người đặt hàng, người gửi hàng, hãng vận chuyển làm chứng từ vận tải có được coi là chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương hay không? Trong trường hợp được coi là chứng từ vận tải tương đương thì người gửi hàng sẽ cập nhật như thế nào trên hệ thống một cửa quốc gia? Vì với số lượng chứng từ vận tải đường bộ, đường hàng không, đường biển có ngày lên tới 100.000 – 200.000 dòng dữ liệu.
Hiện nay, những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động TMĐT đang được Tổng cục Hải quan tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn. Việc hướng dẫn cụ thể sẽ tháo gỡ vướng mắc cũng như tạo điều kiện cho hàng hoá của các sàn TMĐT không bị gián đoạn trong thời gian Nghị định về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT chưa ban hành.
Chính sách thúc đẩy phát triển
Hiện nay, về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định với những định hướng nhằm đảm bảo quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia.
Cụ thể, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT, hạn chế những tồn tại bất cập hiện nay. Tổ chức triển khai quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên phạm vi cả nước có hiệu quả hơn khi môi trường pháp lý hoàn thiện, đồng bộ. Khi các quy định về thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT được quy định công khai, minh bạch, thủ tục đơn giản thì sẽ giảm thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí thủ tục hành chính. Đối với cá nhân mua hàng qua TMĐT, khi thủ tục hải quan đơn giản, công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân mua hàng hóa của nhiều nước trên thế giới với chất lượng và mức giá phù hợp, giao nhận hàng hóa nhanh.
Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT quy định các vấn đề trọng tâm như quy định cụ thể đối tượng điều chỉnh là các sàn giao dịch, website TMĐT bán hàng (bao gồm cả các sàn giao dịch, website TMĐT bán hàng ở nước ngoài), các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa giao dịch qua TMĐT. Quy định cụ thể ưu đãi về chính sách thuế, chính sách mặt hàng đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, cụ thể là được miễn thuế nhập khẩu, miễn giấy phép, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các đơn hàng nhập khẩu với trị giá hàng hóa nhất định.
Bên cạnh đó, tại dự thảo Nghị định có các nội dung quy định nhằm đảm bảo thông tin liên quan đến hoạt động giao dịch hàng hóa để phục vụ công tác quản lý từ khi phát sinh đơn hàng đến khi thông quan hàng (đối với hàng nhập khẩu) hoặc hàng hóa thực xuất (đối với hàng xuất khẩu).
Theo N.Linh (https://haiquanonline.com.vn)