Bài liên quan |
Thị trường bất động sản TP.HCM 2025: Kỳ vọng bứt phá |
Giá bất động sản TP.HCM tăng cao, người mua nhà đang gặp khó |
Tháng 1/2025, TP.HCM bước vào giai đoạn cao điểm mua sắm trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ với sức mua sôi động. Các doanh nghiệp tăng cường nguồn cung hàng hóa, đảm bảo chất lượng, mẫu mã đa dạng và giá cả ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng này ước đạt 107.996 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 53.717 tỷ đồng, chiếm 49,7% tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Một số nhóm hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, như lương thực - thực phẩm chiếm 30,5%, tăng 5,7%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 11,1%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,1%. Trái lại, một số nhóm mặt hàng có doanh thu giảm so với tháng trước, bao gồm gỗ và vật liệu xây dựng giảm 13,4%; phương tiện đi lại giảm 11,7%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 12%; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy giảm 8,9%.
Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM thu về 23.000 tỷ đồng trong tháng đầu năm 2025 |
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 38.849 tỷ đồng, giảm 16,6% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ. Riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 22.932 tỷ đồng, chiếm 59% doanh thu dịch vụ khác, nhưng giảm 3,3% so với tháng trước. Dù vậy, bất động sản vẫn đóng góp 21,2% vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, chỉ đứng sau doanh thu bán lẻ hàng hóa. Năm 2024, lĩnh vực này đã đạt doanh thu 282.134 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2023. Theo đánh giá của Cục Thống kê TP.HCM, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhờ các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là việc giảm lãi suất huy động và cho vay sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối diện nhiều khó khăn và chưa đủ lực tác động mạnh đến ngành xây dựng. Dù có mức tăng trưởng 2,6% trong tháng 1/2025, ngành xây dựng chỉ chiếm 3,2% GRDP của thành phố và đóng góp 1,1% vào mức tăng trưởng GRDP chung.
Nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản, Cục Thống kê TP.HCM đề xuất tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án, kiểm soát giá nhà ở và đất đai để hạn chế lãng phí tài nguyên xã hội và góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Đặc biệt, cần xác định bất động sản là một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Trên phương diện quản lý, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra hoạt động của chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới bất động sản trên địa bàn. Đồng thời, thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bất động sản, đảm bảo thị trường minh bạch và bền vững. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ các kênh thông tin không chính thống nhằm tránh tác động tiêu cực đến tâm lý người dân, nhà đầu tư và thị trường.