Định hình chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới

09:36 12/01/2021

Trong bối cảnh dịch covid hiện hữu, xây dựng chiến lược và đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ then chốt và được xác định là động lực tăng trưởng mới để phát triển phù hợp với điều kiện hiện nay...

(Ảnh: Internet)

Năm 2021 - năm đầu tiên của chu kỳ kinh tế tăng trưởng

Thành quả đạt được của năm 2020 trên các bình diện kinh tế - xã hội trong nước, kinh tế đối ngoại cũng như vai trò, vị thế và thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế đã được củng cố đáng kể. Dù tăng trưởng GDP của năm 2020 chưa đạt ½ so với mục tiêu đề ra, song với mức tăng trưởng 2,91% đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á và là một trong 10 quốc gia trên thế giới đạt được tăng trưởng dương. Đảng và Chính phủ đã kiểm soát tốt sự lây lan của đại dịch covid-19 và do đó, Việt Nam đã trở thành hình mẫu tiêu biểu. 

Ngay trong tuần đầu tiên của tháng 1 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 01 và 02 năm 2021 với phương châm hành động 12 chữ: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển. Thông điệp trong phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được đúc rút từ thực tiễn khắc nghiệt của năm 2020. 

Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chỉ rõ, bối cảnh thế giới 2021 vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc từ COVID-19 (chưa thể được kiểm soát cho dù có vaccine) và các căng thẳng thương mại quốc tế song phương. Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam thời gian tới sẽ đến từ phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN. Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với các đối tác thương mại lớn cần phải là ưu tiên chính sách trong năm nay để hỗ trợ cho tăng trưởng trong bối cảnh chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại quốc tế.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, để phát triển kinh tế trong năm 2021, sức bật quan trọng và hàng đầu là từ nội lực. Điều đó đã được chứng minh trong suốt năm 2020 vừa qua khi mà trong mối tương quan với sự thay đổi của thế giới và sự tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương khi đạt mức 2,4% và Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người (Việt Nam, Đài Loan-Trung Quốc, Ai Cập và Trung Quốc).

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thống kê
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thống kê. (Ảnh: Internet)

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng khẳng định, yếu tố quan trọng là sự nỗ lực bền bỉ của các doanh nghiệp Việt và chính sách đầu tư công của Chính phủ cùng với những giải pháp của Chính phủ ứng phó với dịch COVID-19 đã tác động tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế.

Đặc biệt, theo ông Lâm, vai trò của đầu tư công vô cùng quan trọng bởi đó chính là trụ cột của nền kinh tế, đầu tư công kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn và cả dài hạn. Theo Tổng cục Thống kê, 1 đồng đầu tư công có tác động và lan tỏa đến 4,2 đồng đầu tư tư nhân. Nếu cứ tăng giải ngân 1% đầu tư công thì GDP tăng thêm 0,06%. Trong năm 2020 vừa qua, tiến độ giải ngân đầu tư công nhanh đã tác động rất tốt đến sự phát triển của nền kinh tế.

Một ví dụ cụ thể hơn là nếu giao thông phát triển sẽ giảm chi phí logistics cho nền kinh tế, giảm thời gian luân chuyển hàng hóa, từ đó tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Đánh giá về các chính sách vĩ mô đã tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm qua, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Mỹ, ông Đặng Hoàng Hải Anh cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tăng trưởng nhưng không hy sinh ổn định vĩ mô là điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 2016-2020 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu. Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới xuất khẩu nói chung nhưng do Việt Nam có thị trường xuất khẩu đa dạng nên thay vì sụt giảm tại các thị trường EU, ASEAN thì Việt Nam đã tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc nên đã bù đắp suy giảm. 

Trong bối cảnh dịch covid hiện hữu,  xây dựng chiến lược và đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ then chốt và được xác định là động lực tăng trưởng mới để phát triển phù hợp với điều kiện hiện nay.
Trong bối cảnh dịch covid hiện hữu, xây dựng chiến lược và đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ then chốt và được xác định là động lực tăng trưởng mới để phát triển phù hợp với điều kiện hiện nay.. (Ảnh: Internet)

Xây dựng chiến lược và đầu tư kinh doanh 

Đánh giá về nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, dưới góc độ của doanh nghệp, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV của Deloitte Việt Nam cho rằng: Chính sách thường đi sau hơi thở thị trường và doanh nghiệp, thì rõ ràng, cải cách trong thể chế, mà ở đây trong góc độ nhà tư vấn như chúng tôi thì rõ ràng thấy được hiệu quả của hệ chính sách được thực thi thế nào. Trong diễn đàn CEO của hội doanh nghiệp tổ chức với hơn 1.000 CEO, rất nhiều doanh nghiệp khi phát biểu đã nói: có vẻ chúng tôi chưa cần gói cứu trợ thứ 2 trước khi chúng tôi được tháo gỡ về cơ chế.

Vậy đột phá, cụ thể là gì? Đó là triển khai luật và quy định trong luật. Trong 2021, có 5 luật đồng thời có hiệu lực, trong đó gồm 3 luật Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán rất đặc biệt liên quan với chúng tôi và Vinacapital. Trong đó Luật Doanh nghiệp sửa đổi đều hướng đến quản trị công ty, Luật Chứng khoán và Luật đầu tư cũng vậy. Vậy làm sao để quản trị công ty có lực đỡ, có sự bình đẳng đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã dừng, tạm dừng toàn phần, một phần là do Covid, nhưng một phần là do bản thân sức khoẻ doanh nghiệp không vượt qua ngưỡng chống đỡ thì phải sập thôi. Vậy một trong những thước đo của chúng tôi là hệ Quản trị công ty.

Vẫn có những doanh nghiệp vượt qua Covid, do ngành nghề vẫn phát triển, biết áp dụng và chuyển đổi nhanh kinh tế số… Sau cùng vẫn là nội lực của doanh nghiệp.

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV của Deloitte Việt Nam, sức khỏe, nhận thức và tư duy của doanh nghiệp về một thế giới mới, phù hợp với mô hình quản trị và tổ chức sản xuất mới, phương thức kinh doanh mới sẽ là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thích ứng trước các biến động cũng như duy trì sự ổn định để thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng.

Để định hình chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và thị trường cần chỉ ra những cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp sẽ phải thích ứng và xoay chuyển nhằm đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng cố vấn Harvard Khu vực châu Á-TBD cho rằng, các cơ hội và lợi thế cạnh tranh đến từ các hiệp định FTA thế hệ mới đã có hiệu lực sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa ra khu vực và thế giới.

Việc 16 FTA được sở hữu bởi Việt Nam sẽ giúp Việt Nam giữ vị trí thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore về số lượng FTA thực chất và hiệu quả. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược cụ thể và phù hợp để có thể tối ưu hóa được lợi ích từ các FTA mà Chính phủ đã đàm phán thành công để tạo đà cho phát triển lâu dài và bền vững.

Theo ông Nguyễn Trọng Phi, Ủy viên BCH LEFASO chia sẻ: Các doanh nghiệp dệt may da giày, túi xách cũng như doanh nghiệp khác đều phải vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn, khó khăn. Nhờ nỗ lực của doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt là chuyển đổi số, chăm sóc khách hàng từ xa, và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Năm 2021, tận dụng lợi thế cạnh tranh các hiệp định FTA, thì doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành nói riêng, cần xác định rõ mục tiêu trong bối cảnh mới. Trong bối cảnh mới, ngoài tiếp tục xuất khẩu như hiện nay về gia công thì ta cần có thêm định hình, chuyển đổi mô hình từ sản xuất gia công sang xây dựng thương hiệu trong thời trang dệt may da giày để xuất khẩu được thông qua các hiệp định đã ký. Hưởng lợi từ nguyên phụ liệu từ việc giảm thuế từ các hiệp định. Đây là điều kiện để ta mạnh dạn chuyển đổi. Sang 2021, các hiệp định mang lại lợi thế cho ngành, các thương hiệu cao cấp sẽ hưởng lợi nhiều.

Doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi, có mô hình quản trị kinh doanh linh hoạt, dễ thích ứng với các thanh đổi, hội nhập. Sự thích ứng của doanh nghiệp VIệt Nam rất quan trọng trong giai đoạn Covid vừa qua và cần duy trì trong thời gian tới.

Nguyễn Khắc Quốc Bảo- Viện Công nghệ Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP HCM)

 Có đến 60% DN tồn tại được trong năm qua trả lời rằng họ chuyển đổi mô hình kinh doanh, áp dụng kinh tế chia sẻ, dữ liệu đám mây... để giao dịch gián tiếp trong và sau đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc đào thải lớn: DN nào cải cách thành công, tận dụng lợi thế, chuyển sang hình thức kinh doanh mới sẽ là thế hệ doanh nhân mới, đóng góp lớn cho nền kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, cũng mang lại nhiều thách thức lớn: Làm sao quản lý thu nhập, thu thuế được ở các tập đoàn công nghệ, làm sao cân bằng với kinh doanh truyền thống để được lợi cả hai.

Andy Ho - Giám đốc điều hành VinaCapital

Yếu tố lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ đầu tư. Khi lãi suất đi xuống, nhà đầu tư rút tiền tiết kiệm đầu tư vào bất động sản, chứng khoán nhưng đầu tư dài hay ngắn cũng phải phụ thuộc vào lãi suất, cân nhắc 12-36 tháng phải trả tiền, còn phải tích lũy lợi nhuận, hạn chế trả cổ tức, dùng để tái đầu tư. Năm 2021 có nhiều kênh đầu tư và nên đa dạng hóa các kênh.

Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Vietnam

Trong quản trị DN, một số từ khóa đặc biệt được gọi tên nhiều nhất trong thời gian qua đó là tính hoạt động liên tục của DN. Tuy vậy, điều quan trọng nhất trong quản trị của DN là quản trị tư tưởng, tinh thần của lãnh đạo. Năm 2021, quản trị khủng hoảng rất cần minh bạch, hiệu quả và quản trị tính hoạt động liên tục của DN. Trong quá trình phát triển, quản trị tư tưởng nhà lãnh đạo, sự kiên trì của họ là yếu tố hàng đầu.

Gia Gia