Ảnh minh họa
Nhà đầu tư PPP sẽ được chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu
Một trong những nội dung được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi Luật PPP được dự thảo, đó là cơ chế chia sẻ doanh thu như thế nào.
Liên quan về vấn đề này, trong văn bản được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây ít ngày, Chính phủ cho biết, hiện Dự thảo Luật PPP quy định cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu theo hướng điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng PPP trong trường hợp doanh thu thực tế không như doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng trong một số trường hợp và đáp ứng điều kiện theo quy định.
Đối với một số dự án trọng điểm, trường hợp sau khi đã thực hiện cơ chế trên nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết, thì Chính phủ và nhà đầu tư cam kết chia sẻ phần giảm thu và phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Trên thực tế, đa số đại biểu Quốc hội đều đồng thuận với sự cần thiết phải có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu với nhà đầu tư được đề xuất tại dự thảo Luật.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến yêu cầu Chính phủ phải cân nhắc, quy định rõ về nguyên tắc chia sẻ, cấp có thẩm quyền quyết định, điều kiện, đối tượng áp dụng, nguồn tiền để xử lý khi rủi ro giảm doanh thu xảy ra, cách thức kiểm soát và quản lý rủi ro tài chính quốc gia, trong đó đặc biệt lưu ý việc tạo sự bình đẳng với cơ chế chia sẻ 50% giữa Nhà nước và tư nhân.
“Đây là nội dung mới, khó và là một trong các nội dung then chốt cần được tập trung nghiên cứu, đề xuất phương án có tính khả thi tại Dự án Luật”, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội như vậy.
Là nội dung mới và khó, nên trong giai đoạn này, Chính phủ đề nghị phương án tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội theo hướng là sẽ phân biệt cơ chế chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu và chia sẻ khi tăng doanh thu.
Cụ thể, tất cả các dự án PPP đều áp dụng cơ chế chia sẻ khi tăng doanh thu. Trong khi đó, đối với cơ chế chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu, thì sẽ bổ sung một số điều kiện thực hiện và trường hợp được áp dụng cơ chế này. Đó là sẽ chia sẻ rủi ro doanh thu khi doanh thu thực tế bị ảnh hưởng bởi lỗi của phía Nhà nước.
Về nguồn xử lý khi rủi ro phát sinh, Chính phủ cho biết, hiện tại Dự thảo Luật đang thiết kế theo hướng sử dụng nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn; nghiên cứu, cân nhắc bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định việc chia sẻ rủi ro cho các dự án PPP đủ điều kiện, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong phạm vi quản lý, ngân sách của địa phương.
Doanh nghiệp PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Trong khi đó, liên quan vấn đề thành lập và hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP, Dự thảo Luật PPP hiện quy định doanh nghiệp dự án được thành lập chỉ nhằm mục đích duy nhất là thực hiện dự án theo hợp đồng với mô hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần và được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thực hiện dự án PPP.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định như dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, Dự thảo Luật cần bảo đảm tuân thủ Luật Doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP không quy định tại Luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến yêu cầu điều chỉnh lại thời điểm doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Chính phủ, thì theo quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014, trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó.
Theo đó, Chính phủ nhấn mạnh, các quy định đặc thù đối với doanh nghiệp dự án PPP tại Dự thảo Luật là đồng bộ, không xung đột với Luật Doanh nghiệp.
Liên quan đến thời điểm doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu, Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm việc với các Ủy ban của Quốc hội để đề xuất phù hợp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật và dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Hà Nguyễn