Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong bối cảnh biến động nhanh và mạnh

15:08 11/05/2023

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến số bất định, còn nội tại nền kinh tế cũng đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, cùng tham gia xây dựng giải pháp chung.

Ảnh minh họa
Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Nhận định về bối cảnh vĩ mô, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Từ suy thoái sâu trong đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022.

Điều này đã buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử là 5% chỉ trong 14 tháng. Sau những động thái của Fed, thị trường quốc tế xuất hiện biến động mạnh khi đồng đô la Mỹ có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm. Ngoài ra, xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

“Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi”, ông Hà nhấn mạnh.

Với những tháng đầu năm 2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường thì với Việt Nam – một nền kinh tế nhỏ, nhưng có độ mở rất lớn và nội tại còn nhiều khó khăn thách thức – thì công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn, gồm: vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho biết: Nhiệm vụ đặt ra hết sức thách thức nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành để chung tay, góp sức, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân khắc phục các khó khăn, đạt được các mục tiêu vĩ mô đặt ra.

Kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi tích cực, tăng trưởng cao 8,02% và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, doanh nghiệp và người dân tiếp tục tin tưởng vào giá trị đồng Việt Nam, mặt bằng lãi suất sau khi tăng trong năm 2022 do áp lực trong và ngoài nước đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu” , các diễn giả cũng đã tập trung phân tích, làm rõ bức tranh về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bài học rút ra trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 cũng như nhận diện khó khăn, áp lực phải đối mặt trong năm 2023, đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm nắm bắt cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo các diễn giả, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến số bất định, còn nội tại nền kinh tế cũng đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, như chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp,… do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, cùng tham gia xây dựng gói giải pháp chung tổng thể, nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách nói chung và giúp gia tăng hiệu quả chính sách tiền tệ nói riêng.

Bạch Vĩ