Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quý III đầy biến động bởi sự trở lại của đại dịch Covid-19. Dù vậy, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như duy trì đà tăng trưởng dương cho nền kinh tế, chỉ số Vn-Index tiếp tục duy trì sự hồi phục và thậm chí vượt lên trên mốc 900 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9, chỉ số Vn-Index dừng tại 905,21 điểm, tương đương mức tăng 9,71% trong quý III. Với đà hồi phục này, Vn-Index trở thành một trong những chỉ số chứng khoán tăng trưởng hàng đầu thế giới trong quý III và chỉ còn thấp hơn 5% so với thời điểm đầu năm.
"Con sóng" bất ngờ
Sau những biến động của quý III, thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch đầu tiên của quý IV (1/10) với nhiều hứng khởi khi thị giá nhiều cổ phiếu đã trở về mặt bằng giá thấp hơn cùng với động lực từ sức tăng mạnh mẽ của chứng khoán thế giới và thông tin giảm lãi suất điều hành trong nước. Nhà đầu tư phấn chấn mua vào, giúp các chỉ số nhanh chóng tìm lại sắc xanh.
Cổ phiếu ngành chứng khoán bất ngờ "nổi sóng" trong phiên giao dịch ngày 1/10.
Làm nên sự tích cực của các chỉ số vẫn là những bluechip và nhóm cổ phiếu tài chính. Trong đó, gây bất ngờ nhất phải kể đến nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán khi nhiều mã tăng kịch biên độ, những cổ phiếu khác cũng đạt mức tăng từ 5% trở lên.
Điển hình trong biến động giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán là SSI của Chứng khoán SSI đã tăng 5% lên 17.800 đồng/cp, với khối lượng giao dịch đạt 10,3 triệu đơn vị. Tiếp đến là cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội tăng mạnh 6,7% lên 12.800 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 7,7 triệu đơn vị.
Tương tự, cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect tăng 5,6%, khối lượng khớp lệnh đạt gần 3,6 triệu cổ phiếu; HCM của Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) tăng 5,5%, khớp lệnh 5,5 triệu đơn vị; cổ phiếu VDS của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tăng 5,8%...
Cổ phiếu VIX của Chứng khoán IB thậm chí còn tăng trần 9,2%, với khối lượng giao dịch đạt gần 1,3 triệu cổ phiếu. Tăng trần cũng là diễn biến chính trong phiên giao dịch 1/10 của cổ phiếu WSS của Chứng khoán Phố Wall, cổ phiếu VCI của Chứng khoán Bản Việt (VCSC)...
Thực tế, sau giai đoạn thị trường chứng khoán biến động mạnh trong quý I/2020 trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đã khởi sắc trở lại kể từ đầu tháng 4 tới nay.
Tuy nhiên, mức tăng được dàn trải trong biên độ hẹp, gần như không có sự đột biến nào diễn ra, bất chấp nhiều thời điểm cả thị trường chứng khoán bùng nổ.
Có thể lấy ví dụ trường hợp của SSI, nếu ngoại trừ những phiên giao dịch khởi sắc đầu tháng 4 cùng với đà thăng hoa của thị trường chung thì trong nhiều tháng qua, mã cổ phiếu này chỉ ghi nhận 3 phiên có mức tăng vượt 5%. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với VND, HCM, VCI khi luôn vắng bóng những phiên giao dịch đột biến.
2 yếu tố lớn "trợ lực"
Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, 2 yếu tố lớn đang là “trợ thủ” đắc lực của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán là giá trị giao dịch tăng đột biến và lãi suất đang liên tục giảm tạo tiền đề cho dòng tiền đổ vào chứng khoán.
Hai yếu tố này có thể tác động lớn đến doanh thu môi giới và doanh thu cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán giàu tiềm lực vốn.
Thực tế, trong quý III vừa qua, thanh khoản của thị trường đã cải thiện đáng kể với giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE đạt 4.535 tỷ đồng/phiên, tăng 4,2% so với quý II và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số lớn nhất kể từ quý I/2018 - thời điểm chỉ số Vn-Index xác lập đỉnh lịch sử hơn 1.200 điểm.
Đóng góp chính cho sự cải thiện thanh khoản này là sự tham gia của các nhà đầu tư mới trong nước, hay còn gọi là “nhà đầu tư F0”. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong 6 tháng gần nhất (từ tháng 3 - 8), các nhà đầu tư nội đã mở mới 193.284 tài khoản chứng khoán, lớn hơn số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong cả năm 2019 (188.646 tài khoản).
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, trong số hơn 190.000 tài khoản mở mới kể trên, có rất nhiều tài khoản có quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Điều này đã giúp thị trường có thêm dòng tiền mới để “cân” sức bán mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư tổ chức cũng như khối ngoại.
Cùng với sự gia tăng số lượng tài khoản, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường. Bên cạnh đó, sự ra đời của các quỹ ETFs mới như VFMVN Diamond ETF, SSIAM VNFin Lead ETF, SSIAM VN30 ETF… cũng góp phần thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường.
Đặc biệt, ngay sau khi phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9 kết thúc, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo về việc hạ một loạt các lãi suất điều hành trên thị trường, có hiệu lực từ ngày 1/10.
Theo nhận định của VNDirect, đây là điểm tích cực nhất ủng hộ thị trường tiếp tục một xu thế tăng điểm mới, kích thích các nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh kênh đầu tư bất động sản đang nhiều khó khăn, còn thị trường vàng sau khoảng thời gian tăng nóng đã có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, thị trường chứng khoán hiện có mức định giá hấp dẫn, nhiều cổ phiếu có thể giúp nhà đầu tư kiếm lợi nhuận cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Minh Khuê