Diệt chuột, có cần chi tiền tỷ từ ngân sách?

10:37 25/03/2021

Thành phố Cần Thơ vừa quyết định chi 30 tỷ đồng cho công tác diệt chuột, trong đó 22,5 tỷ đồng là tiền ngân sách, còn 7,5 tỷ đồng huy động từ nông dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Diệt chuột để bảo vệ thành quả sản xuất của nông dân. Đó là một công việc vô cùng cần thiết. Chuột là loài sinh sản theo cấp số nhân. Chỉ một cặp chuột sinh sản, chỉ sau một năm số con cháu của chúng sẽ là khoảng 10.000 con. Mỗi ngày một con chuột ăn một lượng thức ăn bằng 75% trong lượng cơ thể. Không những ăn mà chúng còn phá. Cần Thơ có 95.000 ha đất trồng lúa và rau màu, 200.000 ha cây ăn trái. Không diệt chuột, mùa màng sẽ bị tổn hại vô cùng nặng nề.

Nhưng, diệt chuột, có cần phải chi một số tiền “khủng”, đến 30 tỷ đồng? Số tiền đó có thể làm được 600 ngôi nhà cho những gia đình nghèo, gia đình chính sách hay xây được năm, sáu ngôi trường, không? Trong khi ngân sách thì không phải vô tận? Thử hỏi, có người nông dân miền Nam nào mà không biết, không thành thạo việc diệt chuột ? Nhiều nơi, bắt chuột còn trở thành nghề mưu sinh của họ. Địa phương nào mà không có những khu chợ chuyên buôn bán chuột, cả chuột sống lẫn chuột đã chế biến. Địa phương hết chuột, hàng đoàn người còn tỏa đi các địa phương khác để bắt chuột. Nhất là ở các tỉnh biên giới giáp với Campuchia, người dân còn sang cả nước bạn để săn chuột. Để bắt được chuột, người dân đã sáng tạo ra hàng trăm loại cạm, bẫy, ngoài ra còn dùng rất nhiều cách để bắt chuột như dùng nước, dùng lửa, dùng chó săn, dùng lưới vây…có thể nói, việc diệt chuột đã trở thành công việc hàng ngày của người nông dân, và họ làm công việc đó một cách hoàn toàn tự giác, không cần ai phải phát động, hô hào. Rất đơn giản, vì nếu không làm thế, thì miếng cơm manh áo của họ sẽ bị đe dọa.

Tập huấn, nghĩa là huấn luyện và tập dượt. Những cán bộ, công chức nhà nước quanh năm ngồi phòng máy lạnh, số lần bước chân xuống ruộng trong đời làm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến cái hang chuột chưa chắc đã phân biệt được. Nay lại đứng ra “tập huấn” cho những người quanh năm suốt đời lăn lộn chiến đấu với chuột để giành giật lại từng hạt lúa củ khoai thì có hợp lí và hiệu quả hay không thêm nữa đăng báo, in ấn tờ rơi, tờ bướm để tuyên truyền hướng dẫn thì nói những cái gì, thiết nghĩ chỉ cần một câu “chuột là lời gặm nhấm gây hại cho mùa màng, cần phải tiêu diệt”, thế là đủ.

Những khoản chi đó liệu có mang tính hình thức hay không, hiệu quả trên thực tế đến đâu, nên chăng để đầu tư hỗ trợ, trợ giá cho người nông dân sẽ là chính đáng hơn bởi nạn chuột không phải là vấn đề mới với  người nông dân và họ sẽ tự biết phải làm gì để bảo vệ thành quả lao động của họ.

Công Vũ