Diễn biến thị trường lao động quý 1, quý 2/2023

11:38 10/01/2023

Theo dự báo của các chuyên gia lao động - việc làm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, lao động mất việc làm có thể tiếp tục kéo dài sang quý 1, quý 2/2023 trước những biến động của kinh tế thế giới.

Số liệu lao động việc làm từ Tổng cục Thống kê, bao gồm các số liệu cập nhật thị trường lao động theo quý tính đến cuối tháng 9 và chỉ số sử dụng lao động tại thời điểm 1/10 vẫn cho thấy sự phục hồi mạnh của thị trường lao động sau các gián đoạn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu chững lại đã bắt đầu ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng mới, dẫn đến tình trạng cắt giảm hoạt động sản xuất và giờ làm trong thời gian cuối năm 2022.

Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Báo cáo dẫn số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, đã có 485 doanh nghiệp (trong đó có 352 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 72,6%) tại 25 tỉnh, thành phố đã phải cắt giảm hoạt động sản xuất và số giờ làm việc do số lượng đơn hàng giảm. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu nằm ở khu vực phía Nam, chiếm 61,9% tổng số doanh nghiệp và 87,4% tổng số lao động trong nhóm này.

Số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia cho biết, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động trong quý 4 năm 2022 tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động và tỷ lệ lao động phi chính thức lại tăng lên so với quý trước.

 Tính chung cả năm, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm.

 Mặc dù vậy, đáng lưu ý là trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao… nhiều đơn hàng bị cắt giảm, đặc biệt là ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử vào thời điểm cuối năm thì đà phục hồi của thị trường lao động đang có xu hướng chậm lại.

Ảnh minh họa
Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 4 năm 2022 là khoảng 898.200 người, tăng 26.500 người so với quý trước và giảm 566.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,98%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,57% và 2,22%).

Như vậy, mặc dù tình hình thiếu việc làm của người lao động giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên khác với xu hướng các năm trước đây khi chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, quý 4 là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai tăng ca, làm cho tỷ lệ thiếu việc làm của quý 4 thường có xu hướng thấp nhất trong năm thì năm nay, tỷ lệ ở quý này bị đẩy cao hơn so với quý trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 4 năm 2022 là 6,8 triệu đồng, tăng 95.000 đồng so với quý trước và tăng 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,8 triệu đồng, tăng 105.000 đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,8 triệu đồng, tăng 83.000 đồng so với quý trước và tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. 

Lao động ngành chế biến thực phẩm
Lao động ngành chế biến thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động - Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) nhìn nhận, thị trường lao động những tháng cuối năm 2022 vẫn đang chịu những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, lại tiếp tục chịu ảnh hưởng từ biến động của tình hình kinh tế thế giới.

Theo bà Lan Hương về trung hạn, quá trình phục hồi nền kinh tế sẽ đi theo hướng tiếp tục giảm lao động, đặc biệt là trong những ngành mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số dần chiếm lĩnh để tăng năng suất lao động. Tình trạng giảm lao động cũng sẽ giảm mạnh ở phân khúc thấp của thị trường lao động, người lao động không có chuyên môn kỹ thuật.

Ngay cả trong những ngành doanh nghiệp có thể trụ vững, thu hút lao động cũng sẽ cần những kỹ năng mới, thái độ, hành vi kỹ thuật mới mà người lao động cần có.

Trước những biến động của thị trường lao động, bà Lan Hương cho rằng Chính phủ cần thêm các chính sách hỗ trợ người lao động như đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng cường gắn kết thị trường lao động.

“Trong thị trường lao động có thể tồn tại tình trạng lao động không có việc làm nhưng lại có nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động, nguyên nhân do cung cầu lao động chưa khớp hoặc chính sách về tiền lương chưa đủ để thu hút người lao động. Do đó các cơ quan chức năng cần nắm bắt được nhu cầu lao động trong các ngành, để tăng cường kết nối”, bà Hương cho biết.

 Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) nhận định, các tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không đó đơn hàng, giảm đơn hàng, tình hình kinh doanh bị giảm sút nghiêm trọng dẫn đến không có lợi nhuận, rất khó để duy trì việc làm.

Ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, lao động và Xã hội cũng dự báo tình trạng đứt gãy thị trường lao động có thể kéo dài tiếp đến quý 1, quý 2 năm sau do tình hình sản xuất của doanh nghiệp có thể vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số lĩnh vực có thế mạnh về xuất khẩu, thâm dụng lao động như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày… 

Lao động ngành da, giày
Lao động ngành da, giày.

Dự báo, một số ngành có thể tiếp tục ổn định và thu hút nhiều lao động, có xu hướng tạo ra nhiều việc làm như dịch vụ, xây dựng, nông nghiệp.

Ông Đào Quang Vinh cho rằng, trong bối cảnh này, rất cần các chính sách hỗ trợ của nhà nước về an sinh xã hội, đào tạo, kết nối cung cầu lao động.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để thị trường lao động ổn định, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong năm 2023. Theo đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động; phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chích sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Ngoài ra, các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam: Phải giữ chắc lưới an sinh

Về cơ bản, Việt Nam đang phát triển lên cấp độ cao hơn trong chuỗi giá trị. Do đó, việc tái cấu trúc ngành, doanh nghiệp sẽ diễn ra thường xuyên. Hệ quả, người lao động dôi dư do doanh nghiệp phá sản phải dịch chuyển sang ngành khác hay rút lui khỏi thị trường sẽ tăng lên. Đây là hiện tượng vẫn diễn ra, năm nay nhanh mạnh hơn là do tác động của bên ngoài. Do đó phải chấp nhận thực trạng của thị trường để có những giải pháp căn cơ chứ không chỉ bằng những hỗ trợ khi thấy một nhóm lao động bị tác động.

Biện pháp căn cơ ở đây được hiểu là sự chuẩn bị, đào tạo và tái đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; cung cấp đầy đủ thông tin, cơ hội tuyển dụng, chuyển dịch cho họ, đặc biệt với nhóm lao động trên 35 tuổi. Theo đó, Chính phủ, các địa phương có thể tính đến đẩy mạnh các chương trình cụ thể hỗ trợ đào tạo, kết nối, tư vấn cho người lao động... Nếu được đào tạo nghề tốt hơn, khi gặp cú sốc, ít nhất họ vẫn có cơ hội chuyển đổi công việc. Đào tạo không chỉ là tay nghề mà họ còn được chuẩn bị về kỹ năng mềm, khả năng thích ứng, tìm kiếm công việc. Bên cạnh đó, chính sách phải giữ chắc được lưới an sinh, vì đây là vùng đệm cho người lao động.

D.A