Hải Dương và Bắc Giang là hai tỉnh đang có vải thiều vào mùa thu hoạch. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, niên vụ vải năm 2021, toàn tỉnh có 28.100 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước và bắt đầu thu hoạch chính vụ từ ngày 10/6-20/7.
Hiện nhiều sàn thương mại điện tử, công ty chuyển phát nhanh đã tham gia vào hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản. Công ty dịch vụ chuyển phát Nasco vừa thông báo chương trình mua hộ vải Thanh Hà (Hải Dương) gửi đi toàn quốc. Theo đó, vải được hái từ sáng sớm, vận chuyển bằng đường hàng không đảm bảo vải hái và giao trong ngày giữ được tươi ngon như tại vườn. Hình thức mua hộ theo combo 5, 10, 15kg,... Theo giới thiệu của Vasco Express, đây là loại vải sách hái tại vườn có uy tín, đảm bảo quả to, sáng mã, chất lượng cao.
Viettel Post cũng đặt mục tiêu sản phẩm vải Bắc Giang sẽ đến tay khách hàng trên toàn quốc chỉ từ 6 giờ đến 48 giờ sau thu hoạch. Theo đó, đơn vị này sẽ “chơi lớn” khi tổ chức kết nối hệ thống xe tải đa điểm và liên tục từ Bắc Giang tới tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc. Hệ thống xe lạnh sẽ được huy động tối đa để vận chuyển vải, đặc biệt đối với các lô lớn chuyển vào miền Trung và miền Nam sẽ được vận chuyển bằng đường bay.
Vietnam Post đã lựa chọn 3 nông sản có tính mùa vụ đầu tiên của người nông dân tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để đưa lên sàn. Cụ thể là vải thiều của Hải Dương, dưa hấu của Quảng Bình và mít Thái của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống phương tiện thu gom vận chuyển của Vietnam Post sẽ giúp lưu thoát nhanh chóng các mặt hàng nông sản.
Sàn thương mại điện tử Voso.vn của Viettel Post, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công thương, đã đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn vào ngày 28/5 với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Một ngày sau khi vải Bắc Giang được đưa lên sàn Vỏ Sò, đơn vị này cho hay đã có hơn 1 tấn được khách đặt mua trước. Giá của vải u hồng hiện được đăng bán chỉ từ 36.000 đồng/kg.
Việc đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử không chỉ là hướng đi để tiêu thụ vải trong ngắn hạn mà có thể là giải pháp phát triển kênh phân phối có lợi nhất cho người nông dân.
Linh An