Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường bộ cao tốc. Trong đó, đề xuất quy định đường cao tốc hoàn chỉnh phải có tối thiểu 2 làn xe cho mỗi chiều (tổng 4 làn xe chạy).
Quy định này thay thế cho tiêu chuẩn hiện hành, không quy định số làn tối thiểu khi thiết kế ban đầu mà chỉ quy định đường cao tốc được thiết kế phù hợp với nhu cầu từng thời kỳ.
Về tốc độ thiết kế, dự thảo chỉ quy định 3 cấp tính theo tốc độ xe chạy, là cấp 80km/h, 100km/h và 120km/h. Trong đó, cấp 80km/h chỉ áp dụng với vùng núi, đồi cao, nơi có địa hình khó khăn, hoặc trong trường hợp phân kỳ đầu tư.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về thiết kế các điểm dừng xe dọc tuyến ở những nơi có phong cảnh đẹp với quy mô khác nhau. Trong đó, chỗ dừng chốc lát được thiết kế cho từ 1-3 xe dừng (quy mô loại 4), có thể bố trí một lều nghỉ có bản đồ chỉ dẫn du lịch; chỗ dừng lâu được thiết kế cho nhiều xe dừng (quy mô loại 3), có thể có quán giải khát, trạm điện thoại, trạm xăng.
Về hệ thống thu phí cao tốc, bắt buộc phải thu phí tự động không dừng. Trường hợp thu phí kín, tại các điểm vào cao tốc bố trí hệ thống thu phí tự động đa làn tự do không có thanh chắn (barier), đầu ra bố trí hệ thống thu phí đơn làn có barier hoặc đa làn tự do.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, cả nước có gần 1.900km đường cao tốc, tuy nhiên quy mô không đồng đều, có cao tốc phân kỳ đầu tư, có cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe hay có tuyến gọi là tiền cao tốc. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Yên Bái - Lào Cai là ví dụ điển hình.
Vì thế, Chính phủ đã yêu cầu xây dựng Quy chuẩn thiết kế đường cao tốc. Cục Đường cao tốc VN đã xây dựng và tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến rộng rãi đóng góp để khi quy chuẩn ban hành sẽ đủ điều kiện áp dụng vào thực tiễn.
Đồng tình với việc bỏ cấp thiết kế 60km/h, PGS. TS Nguyễn Đức Mạnh, Trường Đại học GTVT cho rằng, trên thế giới có rất ít nước quy định dải tốc độ 60km/h cho đường cao tốc. Thậm chí tại Đức chỉ quy định tốc độ tối thiểu và không quy định tốc độ tối đa.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Thạo, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, quy chuẩn phải quy định cụ thể đường cao tốc được cấu tạo như thế nào, có mặt đường, có làn dừng xe khẩn cấp, dải phân cách và các công trình khác. Trong đó, làn dừng khẩn cấp liên tục có vai trò quan trọng. Làn dừng khẩn cấp cũng sẽ liên quan đến phân kỳ đầu tư.
Theo TS Thạo, cần đưa vào quy chuẩn quy định xuyên suốt các hạng mục, bộ phận của đường cao tốc như yếu tố hình học, các công trình nền đường, mặt đường, thoát nước, hệ thống ATGT, hệ thống ITS, trạm thu phí, chiếu sáng, cây xanh. Trong đó, quy định hạng mục nào là quy định cứng phải có và hạng mục nào là mở.
Nhân Hà (t/h)