Chính phủ mới đây đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật quan trọng, bao gồm Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với Luật Đấu thầu, dự thảo lần này đã có nhiều điểm điều chỉnh nhằm tăng cường tính tự chủ, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động lựa chọn nhà thầu. Theo đó, một số quy định đã được sửa đổi nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết định của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong công tác lựa chọn nhà thầu. Dự thảo cũng bổ sung quy định cụ thể về đấu thầu trong nước và đấu thầu quốc tế, với mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng cường tiếp cận công nghệ tiên tiến của nước ngoài, phục vụ cho các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, nguyên tắc cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ vào quy mô, tính chất và điều kiện thực tế của từng gói thầu để quyết định lựa chọn hình thức đấu thầu phù hợp, như đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu hoặc các hình thức khác, trên cơ sở bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình, cũng được đưa vào dự thảo.
![]() |
Đề xuất thêm nhiều trường hợp được chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu |
Đáng chú ý, dự thảo Luật lần này bổ sung, mở rộng các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong những trường hợp đặc biệt, nhất là đối với các gói thầu, dự án cần bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc có yêu cầu đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án lớn, quan trọng và cấp bách. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đấu thầu, dự thảo còn quy định việc chỉ định thầu phải kèm theo điều kiện về tỷ lệ tiết kiệm chi phí, để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chi phí, đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đấu thầu. Một điểm mới khác cũng được bổ sung là quy định tỷ lệ giá đề nghị trúng thầu không được thấp hơn giá gói thầu nhằm khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp, vốn thường dẫn đến việc không bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong thực hiện gói thầu, dự án. Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm giải trình và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu, dự thảo đã đưa ra các quy định cụ thể về công tác giám sát hoạt động đấu thầu.
Nhằm cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy trình trong đấu thầu. Cụ thể, sẽ bãi bỏ thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, lược bỏ một số thao tác, tiêu chí trong đấu thầu qua mạng nhằm rút ngắn thời gian và tinh giản quy trình. Đồng thời, dự thảo cũng bãi bỏ vai trò của bên mời thầu, chuyển giao một số nhiệm vụ cho tổ chuyên gia và chủ đầu tư, qua đó tinh gọn bộ máy thực hiện và xóa bỏ cấp trung gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Một điểm khác biệt là sẽ không áp dụng yêu cầu bảo đảm cạnh tranh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp thuộc cùng cơ quan chủ quản, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các trường hợp đặc thù.
Về phân cấp và phân quyền, dự thảo sửa đổi quy định liên quan đến chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh theo hướng Luật chỉ nêu nguyên tắc chung, giao Chính phủ quy định chi tiết về các hình thức này. Cách tiếp cận này nhằm tạo cơ chế linh hoạt, chủ động, kịp thời để Chính phủ có thể quyết định việc áp dụng chỉ định thầu trong những tình huống cần thiết, đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, quan trọng và cấp bách.
Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh, dự thảo Luật lần này cũng đề xuất thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, theo đó chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư sử dụng từ 50% vốn ngân sách nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, nhằm tập trung nguồn lực quản lý vào những dự án có tỷ trọng vốn nhà nước cao, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình thực hiện dự án.