Đề xuất sửa đổi chế độ kế toán với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

16:21 11/06/2024

Khi Dự thảo Thông tư Chế độ kế toán doanh nghiệp được thông qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, có thể lựa chọn áp dụng Thông tư này để phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của đơn vị mình.

Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp. Dự thảo Thông tư này hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, và việc ghi sổ kế toán cũng như lập và trình bày Báo cáo tài chính. Tuy nhiên, Thông tư này không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với Ngân sách Nhà nước.

Theo dự thảo, việc ghi sổ kế toán phải căn cứ vào các chứng từ kế toán phản ánh trên cơ sở các giao dịch kinh tế phát sinh và đã hoàn thành của doanh nghiệp. Đồng thời, khi thực hiện các giao dịch kinh tế, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật và các cơ chế, chính sách có liên quan.

Đề xuất sửa đổi chế độ kế toán với các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đề xuất sửa đổi chế độ kế toán với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thông tư này áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và thành phần kinh tế. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ, có thể lựa chọn áp dụng Thông tư này để phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của đơn vị mình.

Về hệ thống biểu mẫu chứng từ kế toán, Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Kế toán, phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của đơn vị mình trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp, doanh nghiệp không tự xây dựng và thiết kế biểu mẫu chứng từ cho riêng đơn vị mình thì áp dụng hệ thống biểu mẫu và hướng dẫn nội dung ghi chép chứng từ kế toán theo hướng dẫn Phụ lục 3 Thông tư này.

Các doanh nghiệp có các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh thuộc đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác thì áp dụng theo quy định về chứng từ tại các văn bản đó.

Lập và ký chứng từ kế toán: Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ lập 1 lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Chứng từ kế toán phải được lập rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, chính xác theo nội dung quy định trên mẫu. Việc lập và ký chứng từ kế toán được thực hiện theo quy định của Luật Kế toán.

Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký. Nghiêm cấm ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký.

Việc phân cấp ký trên chứng từ kế toán do người đại diện theo pháp luật quy định phù hợp với luật pháp, yêu cầu quản lý, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, an toàn tài sản. Kế toán trưởng (hoặc người được ủy quyền) không được ký "thừa ủy quyền" của người đứng đầu doanh nghiệp. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác. 

P.V (t/h)