Thứ năm 03/04/2025 09:27
Hotline: 024.355.63.010
Góc nhìn Chuyên gia

Chiến lược ESG cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Từ áp lực tuân thủ đến cơ hội tăng trưởng

02/04/2025 07:00
Trong bối cảnh chuyển đổi số và yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang đứng trước áp lực phải thích ứng nhanh chóng để không bị bỏ lại phía sau. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Ren Varma – Giám đốc ACCA khu vực Đông Nam Á Lục địa cho biết việc tiếp cận các chuẩn mực ESG và nâng cao năng lực kế toán không chỉ là xu hướng mà là chiến lược sống còn giúp DNNVV tăng khả năng chống chịu, thu hút nguồn lực và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Ông Ren Varma – Giám đốc ACCA khu vực Đông Nam Á Lục địa
Ông Ren Varma – Giám đốc ACCA khu vực Đông Nam Á Lục địa

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa ACCA và FPT trong việc thúc đẩy đào tạo, nâng cao năng lực kế toán viên tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững?

Ông Ren Varma: Quan hệ đối tác chiến lược giữa ACCA và FPT không chỉ kịp thời mà còn mang tính đột phá. Sự hợp tác này phản ánh cam kết chung của chúng tôi trong việc nâng cao năng lực nghề nghiệp kế toán – tài chính tại Việt Nam, trang bị cho đội ngũ nhân sự kỹ năng đạt chuẩn quốc tế để phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số và các yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng gia tăng.

Bằng cách kết hợp các chứng chỉ được công nhận toàn cầu và tư duy lãnh đạo của ACCA với thế mạnh về công nghệ và đổi mới sáng tạo của FPT, chúng tôi đang cùng xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ nhằm phát triển nguồn nhân lực. Quan hệ hợp tác này giúp các kế toán viên tại Việt Nam phát triển các kỹ năng quan trọng trong các lĩnh vực như tài chính số, báo cáo ESG và đảm bảo tính bền vững – những năng lực ngày càng thiết yếu trong bối cảnh kinh doanh đang không ngừng thay đổi.

Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác này góp phần trực tiếp vào các ưu tiên quốc gia của Việt Nam trong chuyển đổi số và phát triển bền vững. Khi kỳ vọng của các bên liên quan ngày càng cao về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, các sáng kiến chung của chúng tôi đảm bảo rằng đội ngũ tài chính Việt Nam không chỉ theo kịp sự thay đổi mà còn chủ động định hình một tương lai bền vững và vững chắc.

ACCA và FPT hợp tác chiến lược chuyển đổi số và phát triển bền vững
ACCA và FPT hợp tác chiến lược chuyển đổi số và phát triển bền vững tháng 3 năm 2025

Tháng 4/2024, ACCA công bố chiến lược nhằm dẫn dắt ngành kế toán – kiểm toán ứng phó với các thay đổi toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực báo cáo bền vững và ESG, ACCA có những khuyến nghị cụ thể nào cho Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương?

Ông Ren Varma: Chiến lược toàn cầu của ACCA định vị nghề nghiệp kế toán như một động lực thúc đẩy tiến bộ toàn diện và bền vững. Chúng tôi tin rằng các kế toán viên chuyên nghiệp cần được trang bị đầy đủ để ứng phó với những thách thức toàn cầu phức tạp hiện nay, đặc biệt là trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, quản trị có trách nhiệm và lãnh đạo đạo đức.

Đối với Việt Nam và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi khuyến nghị cách tiếp cận ba hướng như sau:

Thứ nhất, áp dụng các chuẩn mực báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn toàn cầu, như IFRS S1 và S2, nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả năng so sánh.

Thứ hai, đầu tư vào nâng cao năng lực chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo dễ tiếp cận, tập trung vào tính bền vững và các hoạt động đảm bảo chất lượng.

Thứ ba, thúc đẩy sự nhất quán trong chính sách bằng cách điều chỉnh khung pháp lý quốc gia theo các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đóng góp hiệu quả vào việc tạo ra giá trị dài hạn.

Chúng tôi cũng kêu gọi tăng cường hợp tác liên ngành giữa chính phủ, cơ quan giáo dục, doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp nhằm xây dựng một hệ sinh thái sẵn sàng cho tương lai, thúc đẩy đổi mới, khả năng chống chịu và tác động bền vững.

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt Net Zero năm 2050, việc thu thập và báo cáo dữ liệu xanh – môi trường đang đặt ra yêu cầu cao với ngành kế toán. Theo ông, đâu là những kỹ năng và chuẩn mực quan trọng mà kế toán viên cần được trang bị để thích ứng và phát huy vai trò trong giai đoạn này?

Ông Ren Varma: Các kế toán viên chuyên nghiệp có vai trò đặc biệt trong việc thu hẹp khoảng cách giữa mục tiêu phát triển bền vững và quá trình thực thi. Họ giữ vai trò then chốt trong việc tích hợp hiệu quả tài chính với giá trị môi trường và xã hội, đồng thời thúc đẩy việc ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Để dẫn dắt quá trình chuyển đổi này một cách hiệu quả, các kế toán viên cần phát triển hiểu biết sâu sắc về các khung báo cáo bền vững, bao gồm IFRS S2, cũng như kế toán carbon và phân tích dữ liệu ESG. Bên cạnh đó, các năng lực mở rộng như lãnh đạo đạo đức, tư duy hệ thống và giao tiếp với các bên liên quan cũng đóng vai trò quan trọng, giúp các chuyên gia cung cấp những phân tích đáng tin cậy trong môi trường nhiều bên liên quan và có độ phức tạp cao.

Chiến lược ESG cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Từ áp lực tuân thủ đến cơ hội tăng trưởng

Nhằm hỗ trợ quá trình này, ACCA đã giới thiệu Chứng chỉ Cao Cấp Phát triển Bền vững Cấp độ Chuyên nghiệp (Professional Diploma in Sustainability, viết tắt là ProDipSust) – một chứng chỉ có phạm vi toàn cầu, được thiết kế để trang bị cho các chuyên gia kiến thức thực tiễn và kỹ năng trong báo cáo bền vững, chiến lược và đảm bảo tính bền vững. Chứng chỉ này giúp các kế toán viên tự tin dẫn dắt việc hiện thực hóa tham vọng Net Zero của Việt Nam và thúc đẩy chương trình tăng trưởng xanh của quốc gia.

Công nghệ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong báo cáo bền vững, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về dữ liệu và tính minh bạch. Ông nhận định thế nào về rủi ro và cơ hội của đổi mới kỹ thuật số trong ngành tài chính – kế toán để hướng tới phát triển bền vững?

Ông Ren Varma: Chuyển đổi số là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển bền vững. Các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng kế toán trên nền tảng đám mây và blockchain đang cách mạng hóa cách chúng ta thu thập, xác minh và báo cáo dữ liệu ESG – giúp dữ liệu trở nên chính xác hơn, kịp thời hơn và dễ tiếp cận hơn. Những công cụ này có thể hỗ trợ các tổ chức tích hợp tính bền vững vào hoạt động và quản lý tài chính của mình.

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với trách nhiệm. Ngành kế toán – tài chính cần cảnh giác trước những thách thức như quyền riêng tư dữ liệu, rủi ro an ninh mạng và sự thiên lệch trong thuật toán. Niềm tin, tính minh bạch và quản trị đạo đức phải luôn là trọng tâm trong cách chúng ta triển khai và quản lý các công cụ số.

Chiến lược ESG cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Từ áp lực tuân thủ đến cơ hội tăng trưởng

Tại ACCA, chúng tôi hình dung kế toán viên của tương lai sẽ là những chuyên gia có tư duy số vững vàng và định hướng giá trị, có khả năng phân tích dữ liệu phức tạp, quản lý rủi ro và cơ hội ESG, đồng thời cung cấp những phân tích chiến lược nhằm thúc đẩy tạo ra giá trị bền vững.

Trong bối cảnh yêu cầu về báo cáo bền vững và ESG ngày càng gia tăng, ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam trong việc từng bước tiếp cận, ứng dụng công nghệ và nâng cao năng lực kế toán để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế mà vẫn phù hợp với quy mô và nguồn lực hạn chế của họ?

Ông Ren Varma: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc áp dụng các nguyên tắc ESG không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành con đường thiết yếu để nâng cao khả năng chống chịu, tăng cường năng lực cạnh tranh và đảm bảo thành công lâu dài.

Chúng tôi khuyến nghị các DNNVV nên bắt đầu từ những bước nhỏ, tập trung vào những yếu tố cốt lõi và phát triển theo lộ trình phù hợp. Hãy bắt đầu với những lĩnh vực quan trọng nhất, chẳng hạn như giám sát mức tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu lãng phí hoặc áp dụng các nguyên tắc quản trị cơ bản. Những bước đi nhỏ này có thể mang lại những thông tin giá trị và tạo nền tảng cho một hệ thống báo cáo ESG bài bản hơn trong tương lai.

VINASME ký thỏa thuận hợp tác với ACCA và ra mắt chương trình ACCA FastTrack dành cho SMEs
VINASME ký thỏa thuận hợp tác với ACCA và ra mắt chương trình ACCA FastTrack dành cho SMEs năm 2023

Việc tận dụng các giải pháp số tiết kiệm chi phí và hợp tác với các cố vấn đáng tin cậy, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ kế toán vừa và nhỏ (SMP), có thể giúp quá trình chuyển đổi trở nên dễ dàng hơn đáng kể. ACCA hỗ trợ các SME trên hành trình này thông qua nhiều hướng dẫn thực tiễn, công cụ hữu ích và Chứng chỉ Cao Cấp Phát triển Bền vững Cấp độ Chuyên nghiệp – một chương trình đào tạo linh hoạt, dễ tiếp cận dành cho các nhà lãnh đạo SME và đội ngũ tài chính.

Bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn ESG một cách dần dần và có chiến lược, các SME có thể mở ra những cơ hội thị trường mới, thu hút nguồn tài chính bền vững và xây dựng mô hình kinh doanh vững chắc, sẵn sàng cho tương lai. Điều quan trọng là phải khởi động hành trình ngay từ bây giờ, bởi mỗi bước tiến sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng và phát triển mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế tương lai.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Tin bài khác
Giải pháp nào thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp ?

Giải pháp nào thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp ?

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho rằng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, cần thiết phải có những giải pháp thuế rõ ràng và hiệu quả.
TS. Nguyễn Hải Nam: Ba động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Việt Nam

TS. Nguyễn Hải Nam: Ba động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Việt Nam

TS. Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội, chia sẻ về ba động lực tăng trưởng kinh tế bền vững cho Việt Nam trong giai đoạn 2025 – 2030.
5 "thung lũng chết" trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

5 "thung lũng chết" trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tại Hội thảo diễn ra sáng ngày 1/4, TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ rõ những khó khăn trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần cải cách mạnh mẽ để thành trung tâm tài chính quốc tế

TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần cải cách mạnh mẽ để thành trung tâm tài chính quốc tế

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, các tiêu chí xếp hạng trung tâm tài chính quốc tế và đề xuất giải pháp để Việt Nam phát triển thành trung tâm tài chính khu vực, vượt qua khó khăn về vốn và cơ sở hạ tầng.
TS. Nguyễn Đình Cung: Cần tháo bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

TS. Nguyễn Đình Cung: Cần tháo bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cần tháo bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, giải phóng tiềm năng và tối đa hóa nguồn lực cho nền kinh tế Việt Nam.
PGS. TS Trần Đình Thiên: Tăng trưởng bền vững cần thay đổi tư duy và chính sách

PGS. TS Trần Đình Thiên: Tăng trưởng bền vững cần thay đổi tư duy và chính sách

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tê Việt Nam, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân và thay đổi tư duy để đạt mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam vào năm 2045.
GS. Trần Chủng: Cần giải quyết bài toán vốn cho nhà đầu tư giao thông

GS. Trần Chủng: Cần giải quyết bài toán vốn cho nhà đầu tư giao thông

Theo GS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông, vốn là thách thức nhất trong dự án PPP, cần cải cách pháp lý để thúc đẩy đầu tư.
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vàng là bảo hiểm an toàn cho người dân

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vàng là bảo hiểm an toàn cho người dân

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, vàng không chỉ là kênh đầu tư mà còn là loại bảo hiểm hữu ích cho người dân, đặc biệt là những người không có bảo hiểm xã hội hoặc nhân thọ.
PGS. TS Trần Đình Thiên: Dòng tiền đầu tư công quyết định tăng trưởng kinh tế

PGS. TS Trần Đình Thiên: Dòng tiền đầu tư công quyết định tăng trưởng kinh tế

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, dòng tiền đầu tư công mạnh mẽ, cùng các chính sách tài chính, tín dụng, sẽ là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
"Nếu có được một triệu chuyên gia AI..."

"Nếu có được một triệu chuyên gia AI..."

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT tin rằng, nếu có được một triệu chuyên gia AI, Việt Nam sẽ thực sự sánh vai với cường quốc hàng đầu về công nghệ.
Chuyên gia Phạm Xuân Hòe: Dòng tiền vào nền kinh tế đang thiếu hụt

Chuyên gia Phạm Xuân Hòe: Dòng tiền vào nền kinh tế đang thiếu hụt

Theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, dòng tiền vào nền kinh tế đang thiếu hụt, gây khó khăn cho tăng trưởng. Ngoài ra còn các vấn đề như tín dụng tăng nhanh, tiền chảy ra ngoài và mức đầu tư thấp.
TS. Lê Đức Khánh: Chứng khoán năm 2025 sẽ đi xa hơn các năm trước

TS. Lê Đức Khánh: Chứng khoán năm 2025 sẽ đi xa hơn các năm trước

TS. Lê Đức Khánh nhận định, năm 2025 sẽ là năm đầy cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam với sự tăng trưởng GDP cao, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành tài chính, chứng khoán, ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực: Nhà đầu tư cần tinh tế, đa dạng hóa để giảm rủi ro

TS. Cấn Văn Lực: Nhà đầu tư cần tinh tế, đa dạng hóa để giảm rủi ro

TheoTS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV các nhà đầu tư Việt Nam sẽ vượt qua thách thức từ nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tận dụng các cơ hội trong bối cảnh khó khăn.
Thị trường chứng khoán năm 2025 -  Cơ hội tăng trưởng và đổi mới

Thị trường chứng khoán năm 2025 - Cơ hội tăng trưởng và đổi mới

Theo Bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Trưởng Ban Phát triển Thị trường Chứng khoán Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với mục tiêu nâng hạng và thu hút vốn ngoại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới tương lai đầy hứa hẹn. Cải cách, công nghệ và sản phẩm mới là chìa khóa thành công.
GS.TSKH Nguyễn Mại: Tập đoàn lớn cần dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng

GS.TSKH Nguyễn Mại: Tập đoàn lớn cần dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tập đoàn kinh tế lớn trong nước cũng cần đóng vai trò dẫn dắt trong việc hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.