Bài liên quan |
Bộ Tài chính đề nghị bỏ việc giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ 1/7/2026 |
Việt Nam không công nhận tài sản mã hóa là phương tiện thanh toán |
Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung các quy định mới nhằm điều chỉnh và xử lý hành vi vi phạm trên thị trường tài sản mã hóa. Điểm nhấn đáng chú ý trong dự thảo nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán lần này là đề xuất mức phạt hành chính có thể lên tới 2 tỷ đồng đối với hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa.
Theo Bộ Tài chính, hiện tại khung pháp lý của Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến tài sản mã hóa – một khoảng trống đang dần bộc lộ rõ ràng khi quy mô giao dịch và số lượng nhà đầu tư trong lĩnh vực này ngày càng gia tăng. Trước thực tế đó, việc bổ sung các chế tài xử lý được đánh giá là cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho thị trường, cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
![]() |
Đề xuất phạt tới 2 tỷ đồng với hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa |
Dự thảo nghị định mới đặt ra các quy định xử lý cụ thể đối với hành vi giao dịch sử dụng thông tin nội bộ. Đây là hành vi mà cá nhân, tổ chức sử dụng hoặc tiết lộ thông tin chưa được công bố liên quan đến tổ chức phát hành hoặc tài sản mã hóa mà nếu công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị của tài sản đó, nhằm phục vụ cho mục đích giao dịch cá nhân, tư vấn hoặc cung cấp thông tin cho người khác thực hiện giao dịch.
Đặc biệt, dự thảo cũng xác định rõ năm hành vi được xem là thao túng thị trường tài sản mã hóa. Bao gồm: sử dụng nhiều tài khoản để liên tục giao dịch nhằm tạo cung cầu giả; thông đồng để giao dịch nội bộ khiến quyền sở hữu không thực sự chuyển giao, tạo tín hiệu giá và khối lượng giao dịch giả tạo; cấu kết lôi kéo người khác đặt lệnh liên tục để làm biến động cung cầu thị trường; đưa ra các phát ngôn trực tiếp hoặc gián tiếp trên phương tiện truyền thông để tác động giá sau khi đã nắm giữ tài sản; và sử dụng các thủ thuật khác như tung tin đồn, cung cấp thông tin sai lệch để thao túng thị trường.
Với các hành vi được xác định là thao túng, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức phạt hành chính từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Đây được xem là mức xử phạt nghiêm khắc, phản ánh sự quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc chấn chỉnh và đưa thị trường tài sản số vào khuôn khổ minh bạch.
Không chỉ xử lý cá nhân thao túng, dự thảo cũng đề xuất xử phạt các tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa với mức tiền phạt từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng cho các vi phạm như không thực hiện nghĩa vụ xác minh danh tính khách hàng, cung cấp thông tin quảng cáo gây hiểu nhầm, không quản lý tách biệt tài sản của khách hàng và tài sản tự doanh. Đáng chú ý, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tổ chức cung cấp dịch vụ còn có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời gian từ 3 đến 5 tháng.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, nếu không mở tài khoản và không chuyển tài sản mã hóa về lưu giữ, giao dịch tại các tổ chức được cấp phép bởi cơ quan quản lý, họ cũng có thể bị xử phạt với mức tiền từ 100 triệu đến 200 triệu đồng.
Bộ Tài chính cho biết, việc bổ sung quy định xử phạt đối với lĩnh vực tài sản mã hóa nhằm tạo nền tảng pháp lý cần thiết, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý hiệu quả thị trường tài sản số trong tương lai. Việc đưa ra các biện pháp chế tài mạnh tay cũng là tín hiệu rõ ràng về nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc kiềm chế các hành vi lợi dụng công nghệ để trục lợi bất chính, bảo vệ an toàn cho nhà đầu tư và ổn định hệ thống tài chính quốc gia.