Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất, người có nhu cầu đấu giá được chọn bất kỳ biển số nào trong kho biển số đấu giá của các tỉnh, thành phố để tham gia đấu giá biển số.
Những biển số không được đưa ra đấu giá, gồm: Biển cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe quân đội dùng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao...
Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, theo dự thảo, trong vòng 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký sẽ bị thu hồi.
Bộ Công an đề xuất, khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu, được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe cùng biển số trúng đấu giá.
Còn người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.
Người trúng đấu giá cũng không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe).
Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá được chia làm 2 vùng: Vùng 1 gồm Hà Nội và TPHCM có giá khởi điểm là 40 triệu đồng/biển số; vùng 2 là các địa phương còn lại có giá khởi điểm từ 20 triệu đồng/biển số.
Trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người trả giá, chấp nhận ít nhất bằng giá khởi điểm khi bán đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó. Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương và 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
P.V