![]() |
Tang vật liên quan đến vụ án mua bán tài khoản ngân hàng. Ảnh: Công an Thái Bình |
Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo (lần 3) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, với nhiều nội dung mới đáng chú ý. Trong đó, các hành vi mua bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản ngân hàng và mua bán thông tin tài khoản sẽ bị xử phạt nghiêm nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo qua hệ thống ngân hàng.
Theo quy định tại dự thảo, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm liên quan đến tài khoản ngân hàng nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức sau:
Hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng bị phạt đến 200 triệu đồng
Cụ thể, hành vi mua bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán hoặc thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 đến dưới 10 tài khoản sẽ bị xử phạt hành chính từ 100 đến 150 triệu đồng.
Trường hợp hành vi vi phạm này liên quan đến từ 10 tài khoản trở lên, mức phạt sẽ tăng lên từ 150 đến 200 triệu đồng. Những hành vi này thường bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền, lừa đảo qua mạng, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi.
Mức phạt tối đa 250 triệu đồng cho hành vi mở, duy trì tài khoản nặc danh hoặc mạo danh
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh, cũng như hành vi lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản.
Theo đó, những hành vi này sẽ bị xử phạt từ 200 đến 250 triệu đồng. Đây là mức phạt cao nhất trong khung xử phạt đề xuất đối với cá nhân vi phạm liên quan đến tài khoản ngân hàng, phản ánh sự quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc lập lại trật tự trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Quy định mới đối với trung gian thanh toán và ví điện tử
Không chỉ các cá nhân sử dụng tài khoản ngân hàng bị xử phạt, các đơn vị trung gian thanh toán (như các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử, thanh toán trực tuyến) cũng là đối tượng điều chỉnh của dự thảo.
Vi phạm quy định về đảm bảo an toàn bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng
Dự thảo quy định, các tổ chức trung gian thanh toán vi phạm các nội dung như: Không đảm bảo an toàn trong cung ứng dịch vụ, Không giám sát hiệu quả các giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài, Vi phạm quy định về mở, sử dụng ví điện tử, hồ sơ khách hàng…sẽ bị xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng.
Mức phạt này nhằm khuyến khích các tổ chức trung gian nâng cao chất lượng kiểm soát, bảo vệ người dùng và phòng ngừa rủi ro phát sinh trong quá trình giao dịch trực tuyến.
Mua bán, cho thuê ví điện tử có thể bị phạt đến 100 triệu đồng
Tương tự tài khoản ngân hàng, nếu các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi: Mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử; Lấy cắp hoặc thông đồng để lấy cắp thông tin ví điện tử từ 1 đến dưới 10 ví điện tử thì sẽ bị xử phạt từ 50 đến 100 triệu đồng. Đây là các hành vi đang diễn ra phổ biến trên mạng xã hội và các nền tảng giao dịch điện tử không chính thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và tài chính.
Xử lý nghiêm vi phạm tái phạm, hợp tác không đúng quy định với tổ chức nước ngoài
Các tổ chức trung gian thanh toán tái phạm việc báo cáo không trung thực số dư, số lượng ví điện tử hoặc vi phạm quy định khi hợp tác với tổ chức nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại Việt Nam cũng sẽ bị phạt nặng.
Theo dự thảo, mức xử phạt cho các hành vi này dao động từ 120 đến 150 triệu đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Trong thời gian qua, các hành vi cho thuê tài khoản ngân hàng, ví điện tử đã bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng để mở rộng mạng lưới hoạt động phạm tội. Nhiều người dân, đặc biệt là sinh viên, người lao động thu nhập thấp… đã trở thành “đối tượng trung gian” vì ham lợi trước mắt.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc mạnh tay xử phạt là điều cần thiết trong bối cảnh giao dịch không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh, nhưng nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Các quy định mới trong dự thảo sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán hoạt động đúng quy định.
Người dân cần tuyệt đối không cho mượn hoặc cho thuê tài khoản ngân hàng, thông tin ví điện tử dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu phát hiện tài khoản bị lợi dụng hoặc thông tin cá nhân bị đánh cắp, cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng và báo cho cơ quan công an.
Ngoài ra, khi sử dụng ví điện tử, nên kiểm tra kỹ thông tin đăng ký, tránh mở ví với các ứng dụng không rõ nguồn gốc, đồng thời không cung cấp mã OTP, mật khẩu ví điện tử cho người khác để phòng tránh bị lợi dụng.