Đề xuất mới về xử phạt VPHC trong kinh doanh xăng dầu, khí

00:00 12/10/2020

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, để thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí có hiệu lực từ ngày 10/7/2017.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, với quan điểm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển, nhiều ngành nghề kinh doanh được gỡ bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh trong đó có ngành nghề kinh doanh khí. Ngày 15/6/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí. Nghị định đánh dấu một bước chuyển dần phương thức quản lý nhà nước từ hoạt động tiền kiểm sang hoạt động hậu kiểm đối với kinh doanh khí. Sự thay đổi nêu trên dẫn đến nội dung quy định xử lý vi phạm hành chính trong kinh doanh khí tại Nghị định số 67/2017/NĐ-CP không còn phù hợp.

Điều đó đòi hỏi phải tiến hành rà soát, cập nhật để sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh khí để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Do vậy, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2017/NĐ-CP là rất cần thiết.

Theo Bộ Công Thương, dự thảo Nghị định sửa đổi thể hiện đường lối, chính sách xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực, ngành hàng quan trọng.

Đồng thời bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và lực lượng thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại đối với lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; nâng cao ý thức pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Nhiều điểm mới bổ sung

Dự thảo bổ sung quy định phạt hành vi vi phạm về điều kiện đối với thương nhân sản xuất, chế biến khí: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không đáp ứng quy định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:  Cơ sở sản xuất, chế biến không được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng; có phòng thử nghiệm chất lượng LPG hoặc thuê tối thiểu 01 năm nhưng không đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; dây chuyền, máy, thiết bị chưa được kiểm định theo quy định.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không có phòng thử nghiệm và không có hợp đồng thuê tối thiểu 01 năm phòng thử nghiệm để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng LPG.

Đồng thời dự thảo cũng bổ sung quy định phạt hành vi vi phạm về điều kiện đối với thương nhân kinh doanh mua bán LPG: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không có bồn chứa LPG hoặc có bồn chứa LPG, hợp đồng cho thuê bồn chứa LPG nhưng bồn chứa LPG không đáp ứng các quy định về an toàn theo quy định.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Kinh doanh LPG qua đường ống nhưng không có đường ống vận chuyển LPG hoặc có đường ống vận chuyển LPG nhưng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; kinh doanh LPG qua đường ống nhưng không có trạm cấp LPG hoặc có trạm cấp LPG nhưng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

 Khánh Linh