Cụ thể, thông tin cho hay trước tình hình đó, với tinh thần cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, khối phục và duy trì sản xuất để hoàn thành “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19…
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có công văn số 4812/BCT-XNK gửi hàng loạt hiệp hội: Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam; Cảng biển Việt Nam; Đơn vị quản lý, khai thác cảng biển; Doanh nghiệp vận tải biển cùng các trung tâm logistics trên cả nước xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho doanh nghiệp bị buộc phải cắt giảm sản xuất do dịch Covid-19.
Công văn của Bộ Công Thương nêu rõ: Hiện nay, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là những địa phương có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn.
Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch bệnh đã khiến một số doanh nghiệp phải tạm thời cắt giảm quy mô sản xuất, đãn đến ùn ứ container nhập khẩu, thời gian lưu kho, lưu bãi tăng lên và làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Trước thực tế khó khăn này, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội cảng biển Việt Nam, các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển, các doanh nghiệp vận tải biển và trung tâm logistics trên toàn quốc xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các trung tâm logistics cho các doanh nghiệp bị buộc phải cắt giảm sản xuất do tác động của dịch Covid-19.
Bộ Công Thương xác định việc giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các trung tâm logistics cho các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết.
Đồng thời, xem xét tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời gian tới thông qua việc nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, phối hợp giữa các bên điều tiết lượng hàng nhập về giữa các cảng.
Cùng với đó, các đơn vị cũng cần nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, năng lực khai thác của bãi cảng và phối hợp giữa các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ở một diễn biến khác, nhiều hiệp hội ngành hàng cũng đã phản ánh tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường.
Mặt khác, chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian qua.
Tại hội thảo trực tuyến chiều 10/8, ông Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn cho biết, lượng hàng tồn tại cảng đã giảm, thời gian tàu chờ cập bến cũng đã còn dưới 8 tiếng, mức thời gian chờ rất thấp trong khai thác cảng.
Ông Quỳ thông tin thêm, cảng đã có phương án hợp tác với các cảng bạn tại khu vực phía Nam để chủ động đưa hàng hóa sang xếp dỡ. Do đó doanh nghiệp không cần quá lo lắng.
Hiện, tỷ lệ tồn bãi của cảng Cát Lái là 85%, bảo đảm công suất, sức chứa cho phép, việc giao nhận hàng hóa và tốc độ giải phóng tàu.
Đại diện cảng Cát Lái cũng cho biết cảng đang kêu gọi các doanh nghiệp còn sản xuất đến nhận hàng. Những doanh nghiệp dừng sản xuất và đã tồn bãi trên 15 ngày thì sẽ được hỗ trợ miễn phí vận chuyển và nâng hạ 2 đầu các container về các kho bãi hoặc cảng nội địa.
Đồng thời, cảng Cát Lái vẫn duy trì nhập hàng chuyển về từ cảng Cái Mép nếu doanh nghiệp cam kết nhận hàng trong 2 ngày và từ cảng Hiệp Phước nếu doanh nghiệp cam kết nhận hàng trong 3 ngày. Container hàng lạnh nhập nguyên vẫn được tiếp nhận, trừ container lạnh trung chuyển.
Trần Linh (T/h)