Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian qua. Những khó khăn và các giải pháp để việc thực hiện chính sách dân tộc đạt hiệu quả?
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn: Giai đoạn 2021-2025 các chính sách dân tộc đã được tích hợp vào Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, ngay từ khi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành các Nghị quyết, quyết định, thông tư, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt để các cấp, các ngành triển khai thực hiện; kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phụ trách từng nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần; Ban hành cơ bản đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG tại địa phương theo quy định; bám sát yêu cầu định hướng của các Bộ, ngành, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Lào Cai; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn và từng năm sát yêu cầu thực tế; thường xuyên chỉ đạo triển khai thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc để có giải pháp giải quyết hiệu quả…
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai. |
Trong thời gian qua, công tác triển khai thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần trong việc phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện; việc thực hiện an sinh, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, giảm nghèo được chú trọng. Đến thời điểm hiện tại, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ hộ dân người dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,7%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,6%; tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố đạt 82%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 96,6%; Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được quan tâm. Đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Việc thực hiện tốt công tác dân tộc đã góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong 5 năm trở lại đây, việc đầu tư hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng cao, biên giới. Ảnh Báo Điện tử Lào Cai. |
Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Lào Cai cũng còn gặp một số khó khăn. Địa bàn thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đều thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn; thời tiết diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, hiệu quả của chính sách. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số cao (chiếm khoảng 96% trong tổng số nghèo toàn tỉnh), kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững và nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo của hộ dân tộc thiểu số lớn. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị tuy đã được quan tâm nhưng chất lượng và số lượng cơ cấu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; một số bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, rèn luyện trong thực hiện nhiệm vụ, còn nặng về biện pháp hành chính, thiếu vận động, thuyết phục, giải thích, do đó hiệu quả công việc chưa cao. Nhận thức của đồng bào vùng dân tộc thiểu số tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng cũng còn có những hạn chế nhất định; lao động chưa qua đào tạo, trình độ học vấn thấp, thiếu chuyên môn kỹ thuật và kiến thức phát triển sản xuất. Trong khi đó một bộ phận lớn người dân tộc thiểu số bằng lòng với cuộc sống hiện tại, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước…
Để thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả, theo tôi cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức, triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; hạn chế thức hỗ trợ (cho không) tránh tình trạng người dân trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số nghèo. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc, từ đó có những giải pháp xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Công tác hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Lào Cai trong năm 2024 được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn: Thực hiện nội dung hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024 tỉnh Lào Cai đã phân bổ hơn 11 tỷ đồng cho các ngành, địa phương thực hiện, trong đó phân bổ cho cơ quan cấp tỉnh hơn 1 tỷ đồng để thực hiện các nội dung: hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số…); cấp huyện phân bổ hơn 10 tỷ đồng (thực hiện các nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp như đào tạo tập huấn nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất; thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm).
Đại diện các hộ kinh doanh tham luận chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Ảnh Báo Dân tộc và Phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có những khó khăn nhất định, đến nay cơ bản mới chỉ tổ chức được các hoạt động như: Hội chợ; phiên chợ văn hóa; xuất bản sách song ngữ về xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai, do Sở Công Thương thực hiện. Đối với cấp huyện, theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư 55/2023/TT-BTC, Chương trình chỉ tập trung hỗ trợ các nội dung như đào tạo tập huấn; chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm mà không có nội dung hỗ trợ về vốn, máy móc thiết bị, nhà xưởng,... do vậy chưa hấp dẫn đối tượng được hỗ trợ…
Vậy ông có đề xuất, kiến nghị gì để hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương đạt hiệu quả?
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn: Việc hỗ trợ các nội dung như đào tạo tập huấn; chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm (theo quy định của chương trình)… chỉ phù hợp với các mô hình đã và đang thực hiện, đã đảm bảo các điều kiện về vốn, cơ sở hạ tầng (chưa phù hợp với các mô hình khởi nghiệp mới bắt đầu hình thành). Do vậy, ngoài tiếp tục thực hiện các nội dung như quy định hiện hành, đề nghị Trung ương nghiên cứu bổ sung nội dung hỗ trợ cho các đối tượng hưởng lợi về vốn, cơ sở hạ tầng… để họ có điều kiện xây dựng các mô hình khởi nghiệp mới.
Xin cám ơn ông!
Cuối tháng 10/2024, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội thảo thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại hội thảo, đại diện Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia - Ủy ban Dân tộc đã hướng dẫn quy trình, cách thức triển khai thực hiện nội dung khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Cùng với đó, đại biểu các sở ban ngành trong tỉnh như Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh… cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình khởi nghiệp; thúc đẩy thu hút đầu tư, tiêu thụ sản phẩm; những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện khởi nghiệp, khởi sự tại cơ sở… |