Trước đó, trong buổi họp tổ diễn ra chiều 15/5, đã có tới 9.300 lượt ý kiến phát biểu, thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Khơi thông nguồn lực, cải thiện môi trường kinh doanh
Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất rằng việc xây dựng và ban hành một Nghị quyết mang tính đặc thù, đột phá là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện khung khổ pháp lý mà còn tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi thông nguồn lực đang bị “tắc nghẽn”, từ đó hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững, hiệu quả, trở thành động lực chính của nền kinh tế.
Nội dung thảo luận tập trung vào nhiều vấn đề cốt lõi như định hướng xây dựng Nghị quyết trên tinh thần thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; mối quan hệ giữa Nghị quyết mới và các luật hiện hành; cũng như các nhóm chính sách cụ thể như cải thiện thủ tục hành chính, thanh tra – kiểm tra, tín dụng, thuế, tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tài chính – tín dụng – lãi suất và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn.
![]() |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) |
Kinh tế tư nhân – động lực then chốt đến năm 2030
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đặc biệt nhấn mạnh vai trò to lớn của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân. Theo ông, khu vực này hiện đóng góp tới 51% GDP, 33% tổng thu ngân sách và chiếm đến 55% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Với những con số ấn tượng này, ông cho rằng cần có thể chế đặc biệt để khu vực tư nhân phát huy vai trò là động lực quan trọng và đến năm 2030 phải trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, ông Ngân đề xuất cần có chính sách đặc biệt để hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn. Ông cũng kiến nghị Chính phủ tiến hành rà soát các bộ luật liên quan nhằm phân định rõ trách nhiệm pháp lý giữa pháp nhân và cá nhân, giữa trách nhiệm hình sự, hành chính và dân sự, nhằm đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật.
Liên quan đến tiếp cận đất đai – một trong những rào cản lớn của doanh nghiệp tư nhân – ông đề xuất các địa phương cần chủ động quy hoạch, mở rộng các khu công nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê đất với mức giá hợp lý. Đây là yếu tố then chốt giúp khu vực tư nhân độc lập và tự chủ trong phát triển.
Cần chính sách mạnh và nhất quán hơn
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, mặc dù dự thảo đã có nhiều điểm tiến bộ, thể hiện tinh thần cải cách và thông thoáng, song vẫn còn nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện. Ông chỉ ra rằng việc tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, chính sách ưu đãi cho các nhà thầu dự án dưới 20 tỷ đồng chưa thật sự phù hợp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ông Hạ đề nghị dự thảo cần bổ sung các chính sách hỗ trợ về thương mại, hội nhập quốc tế và đặc biệt là đảm bảo tính ổn định của hệ thống chính sách để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư dài hạn. Theo ông, cải cách thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh hơn nữa, tập trung vào giảm chi phí không chính thức và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.
Tư duy đột phá và thể chế đồng bộ
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đánh giá cao tinh thần quán triệt tư duy đổi mới về kinh tế tư nhân trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và đồng bộ trong triển khai, ông đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần song song với việc ban hành Nghị quyết này, tiến hành sửa đổi kịp thời các luật liên quan, trong đó có những dự án luật đang nằm trong chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, bà cảnh báo nếu không có hệ thống hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả, chính sách này dễ bị lợi dụng. Do đó, cần bổ sung các yêu cầu cụ thể đối với công tác hậu kiểm, đảm bảo liên thông dữ liệu giữa các cơ quan và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác thanh tra, kiểm tra.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Sẽ tiếp thu tối đa, hoàn thiện dự thảo
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng – đại diện cơ quan soạn thảo – khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Ông nhấn mạnh, dự thảo được xây dựng với tinh thần trung lập giữa các thành phần kinh tế, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với các cam kết quốc tế, trong đó có các quy định về mua sắm công.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Nghị quyết không chỉ xây dựng cơ chế chính sách chung cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mà còn dành những chính sách đặc thù cho một số nhóm đối tượng cụ thể như doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Ông cũng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, nghiên cứu toàn diện nội dung của Nghị quyết 68 để kịp thời thể chế hóa, trong đó những nội dung chưa thể quy định ngay trong Nghị quyết sẽ được định hướng sửa đổi, bổ sung trong các luật chuyên ngành.
Về nguồn lực tài chính, dự thảo cho phép các địa phương chủ động quyết định định mức, tiêu chí hỗ trợ phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, đảm bảo tính minh bạch và khả thi. Các chương trình được đưa ra trong dự thảo sẽ được lượng hóa cụ thể trong quá trình xây dựng, theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.