Đảo Hòn Dấu – “mắt ngọc” của Hải Phòng

16:51 13/02/2023

Nếu Quảng Ninh có vịnh Hạ Long, Kiên Giang có Phú Quốc, Nha Trang có Hòn Tằm thì Hải Phòng cũng có Đồ Sơn và Hòn Dấu hệt như đóa hoa rực rỡ giữa miền đất cảng. Hòn Dấu sở hữu khung cảnh thiên nhiên trữ tình, mơ mộng cùng bầu không khí trong lành, thoáng mát, làm khách du lịch trót gửi cả trái tim của kẻ du hành lãng mạn khi được thức dậy ở một nơi xa…

Đảo Hòn Dấu – “mắt ngọc” của Hải Phòng
Đảo Hòn Dấu – “mắt ngọc” của Hải Phòng.

Đảo Hòn Dấu thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Đảo Hòn Dấu còn có tên gọi khác là Hòn Dấu hay “đèn đèn” bởi trên đảo có trạm đèn biển đã gắn bó với người dân miền biển Hải Phòng qua bao đời nay. Đảo cách đất liền gần 01km với diện tích 13,79 ha. Nơi đây mang vẻ đẹp hoang sơ bình yên, là điểm đến giúp khách du lịch thư giãn, tận hưởng kỳ nghỉ ngơi đúng nghĩa. Chỉ mất chừng 20 phút từ bến Nghiêng, con tàu sẽ nhẹ nhàng lướt trên mặt biển lớn, đưa du khách về với Hòn Dấu, để khi màu xanh ngút ngàn của khu rừng nguyên sinh hệt như bông hoa xanh rực rỡ ở ngay tầm mắt làm ai cũng trầm trồ cảm thán. Một cuộc sống chậm với biển đảo Hòn Dấu đang bắt đầu.

Lăng mộ Nam Hải Thần Vương
Lăng mộ Nam Hải Thần Vương.
35 cây đa búp đỏ từ 500-700 tuổi
35 cây đa búp đỏ từ 500-700 tuổi.

Trên đảo Hòn Dấu có đền thờ Nam Hải Thần Vương. Theo sách Đại Nam nhất thống chí và tương truyền, nơi đây thờ một vị tướng nhà Trần đã hi sinh trong trận thuỷ chiến với quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng và trôi dạt về hòn đảo này, được nhân dân Đồ Sơn lập đền thờ phụng năm 1288. Hàng năm để tưởng nhớ công ơn của vị võ tướng đã hy sinh thân mình cho đất nước, Uỷ ban nhân dân quận Đồ Sơn long trọng tổ chức Lễ hội đảo Hòn Dấu từ ngày mùng 01 đến ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm để cầu cho Quốc thái dân an. (Hội chính diễn ra trong 03 ngày từ ngày mùng 8,9,10 âm lịch).

Rừng nguyên sinh nhiều động vật hoang dã
Rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng và phong phú
Rừng nguyên sinh nhiều động vật hoang dã
Rừng nguyên sinh nhiều động vật hoang dã.

Đảo Hòn Dấu tuy nhỏ nhưng có rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng và phong phú. Hệ thống Đa Búp Đỏ lên đến hàng trăm cây, trong đó có 35 cây đa có độ tuổi từ 400 - 700 năm tuổi được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di Sản Việt Nam từ năm 2013. Phổ biến trong cánh rừng nguyên sinh là hệ thống cây Long Não được trồng từ thời Pháp thuộc với mục đích tạo bóng mát và xua đuổi côn trùng. Đặc biệt đảo có bãi đá tự nhiên độc đáo nghìn năm tuổi bao quanh đảo giữa mây trời non nước, cùng ghềnh đá Bàn đang là điểm check-in thu hút du khách đến trải nghiệm và tận hưởng cảm giác thú vị của thiên nhiên hùng vĩ.

Bãi đá Bàn mênh mông sóng trùng khơi là nơi dừng chân của du khách dừng chân check in nạp tràn cho mình lượng oxy vô biên từ biển cả núi rừng
Bãi đá Bàn mênh mông sóng trùng khơi là nơi dừng chân của du khách dừng chân check in nạp tràn cho mình lượng oxy vô biên từ biển cả núi rừng.

Nằm trên đỉnh cao nhất của đảo chính là Hải đăng Hòn Dấu - Mắt ngọc của Tổ quốc. Đây là công trình do kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892 làm nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Hải Đăng Hòn Dấu là minh chứng cho truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân Đồ Sơn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với các yếu tố về tự nhiên, lịch sử, văn hoá đảo Hòn Dấu được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Danh lam thắng cảnh quốc gia
Với các yếu tố về tự nhiên, lịch sử, văn hoá đảo Hòn Dấu được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Danh lam thắng cảnh quốc gia.

Với các yếu tố về tự nhiên, lịch sử, văn hoá đảo Hòn Dấu được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Danh lam thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 320/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009. Được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng công nhận là Điểm du lịch theo quyết định số 2586/QĐ-UBND ngày 27/08/2020.

Nguyễn Lương