Đảm bảo tính bảo mật cho hóa đơn điện tử

18:13 02/12/2021

Để có thể triển khai thành công hóa đơn điện tử, ngoài việc cơ quan Thuế đảm bảo vận hành an toàn, bảo mật hệ thống cũng cần sự chủ động chuyển đổi của doanh nghiệp, người dân.

Bước đầu khả quan

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Lợi ích của hoá đơn điện tử (HĐĐT)" do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều 1/12, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, theo số liệu từ hệ thống Hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, đến thời điểm này (10 ngày kể từ ngày kích hoạt hệ thống áp dụng HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố) đã có khoảng 40.000 doanh nghiệp đăng ký áp dụng HĐĐT theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, Thông tư 78/2021/TT-BTC và đã có khoảng 81.000 hóa đơn có mã của cơ quan Thuế đã được lập.

Đến nay, Tổng cục Thuế đã đăng tải công khai thông tin của 40 tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

"Kết quả bước đầu rất khả quan. Mặc dù có một số vướng mắc trong giai đoạn đầu liên quan đường truyền, giải pháp phần mềm, tuy nhiên, cả cơ quan Thuế và các tổ chức cung cấp giải pháp, tổ chức kết nối đều đã thường xuyên nâng cấp ứng dụng, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp, đảm bảo việc lập HĐĐT gửi đến cơ quan Thuế để cấp mã diễn ra nhanh chóng", ông Lưu Đức Huy nhận định.

Nhận xét về việc triển khai HĐĐT, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, thời gian qua, ngành Tài chính, ngành Thuế là cơ quan tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc chuyển đổi HĐĐT trên cả nước là nỗ lực lớn, được ngành Thuế thực hiện từng bước, và chuẩn bị hạ tầng 1 thời gian dài. Điều này đã đúng mong muốn của doanh nghiệp bởi lợi ích thấy rõ nhất của HĐĐT là giúp tránh tình trạng gian lận, mua bán hóa đơn, tránh việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, giúp tiết kiệm chi phí phát hành lưu giữ cũng như công tác có liên quan như hoàn thuế. Với các công ty bán lẻ hay các tổ chức thực hiện giao dịch nhỏ thì ứng dụng hóa đơn điện tử rất thuận tiện cho việc quản trị, tiết kiệm chi phí và giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn.

"Trước đây, nhiều doanh nghiệp lo ngại lộ trình chuyển đổi HĐĐT là quá ngắn hay có những lo ngại về chi phí, đường truyền. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngành Thuế đều biết rất rõ những vấn đề này và đã có những giải pháp tháo gỡ. Hơn nữa, lộ trình thực hiện cũng không phải là đồng loạt mà sẽ theo từng giai đoạn, từng khu vực. Theo quan sát của tôi, với lĩnh vực thuế và hải quan, khi có thay đổi sẽ có những khó khăn nhưng đều được doanh nghiệp thực hiện dễ dàng và khó khăn này không kéo dài", ông Đậu Anh Tuấn nói.

Đảm bảo về tính bảo mật

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, khi triển khai HĐĐT, vấn đề bảo mật thông tin là rất quan trọng vì thông tin liên quan đến giao dịch, giá cả, đơn hàng là điều cốt lõi của mỗi doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngành Thuế phải làm sao đảm bảo an toàn được những thông tin này cho doanh nghiệp. Đồng thời cũng phải hướng dẫn, giải thích để doanh nghiệp yên tâm rằng thông tin của họ sẽ được bảo vệ, đảm bảo không bị lộ lọt. Đây sẽ là yếu tố cốt lõi để triển khai thành công HĐĐT tới tất cả các doanh nghiệp.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phùng Huy Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ thẻ Nacencomm cho biết, hiện các quy định đối với giải pháp HĐĐT cũng như việc nhận truyền hóa đơn đã được ngành Thuế đưa ra yêu cầu rất chặt chẽ. Để đáp ứng các công việc thử nghiệm, cơ quan Thuế đưa ra rất nhiều quy định chặt chẽ, minh bạch.

"Hệ thống HĐĐT đòi hỏi lưu lượng lớn và độ chính xác tuyệt đối. Bảo mật là vấn đề nhạy cảm, vì vậy chúng tôi luôn tập trung cao độ cố gắng làm tốt nhất. HĐĐT có nhiều lớp bảo vệ. Để bảo đảm an toàn thì phải có công nghệ như chữ ký số. Ngoài ra, để đường truyền nhận dữ liệu bảo mật an toàn thì phải ứng dụng mã hóa đường truyền. Phần quan trọng nữa là cơ sở hạ tầng và dữ liệu thì cần có quy trình công nghệ cùng con người đảm bảo an toàn… Có thể nói, để triển khai an toàn bảo mật cho HĐĐT, phải áp dụng tổng thể từ quy trình công nghệ con người với các giải pháp khác nhau", ông Phùng Huy Tâm khẳng định.

Toàn cảnh tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm.

Về phía doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, để có thể chuyển đổi HĐĐT, doanh nghiệp cần chuẩn bị ngay từ bây giờ hệ thống hạ tầng, nhân lực, thậm chí tìm được nhà cung cấp phù hợp để cung cấp dịch vụ liên quan đến HĐĐT. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu văn bản pháp luật liên quan để làm sao quá trình áp dụng không bị sai lầm, bỡ ngỡ.

Cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và người nộp thuế nói chung cũng cần tìm hiểu, nắm bắt các quy định mới để có thể chủ động chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT, tránh để đến sát thời điểm theo quy định mới chuyển đổi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như không tận dụng được các cơ hội ưu đãi của các nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT.

P.V