Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Chính phủ.
Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm.
Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức do các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới và các đợt bùng phát dịch Covid-19 trong nước, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự tham gia hỗ trợ tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, hiệu quả của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp và sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng khả quan. Kết quả đạt được thể hiện trên các mặt, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 5,64%, lạm phát ở nước ta rất thấp, chỉ đạt 1,47%, công tác chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá được triển khai hiệu quả. Thu chi ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.
Chuỗi cung ứng cơ bản được bảo đảm không bị đứt gẫy, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, đạt kết quả quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết tâm trong thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm nhiều dự án kém hiệu quả, nỗ lực trong việc huy động nguồn nhân lực và tìm nguồn viện trợ mua vắc xin để thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những kết quả chưa đạt được so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các biến chủng mới có khả năng cao sẽ xuất hiện và lây lan trên toàn cầu. Số lượng người mắc tử vong tăng cao, tăng nhanh, nguồn cung ứng vắc xin còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây ra nhiều thách thức. Việc kiểm soát ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình): Nâng cấp đèo Thung Khe để giải “nút thắt” trên Quốc lộ 6. |
Trước những khó khăn, thách thức trên, để thực hiện kết quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh kinh tế - xã hội, đại biểu Đoàn Hòa Bình đề nghị, Chính phủ, ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại cần có chính sách miễn, giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp, đồng thời gia hạn trả nợ gốc vay và cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp như, miễn giảm các loại thuế, đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, phí, thuế đất và gia hạn thời gian nộp thuế.
Đề cập đến mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2021, đại biểu Nguyễn Cao Sơn bày tỏ, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các dự án giao thông đầu tư công có tính kết nối liên vùng, các dự án nước sạch, thủy lợi, trọng điểm cấp bách phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Xem xét có cơ chế đặc thù chỉ định thầu tiết kiệm, giảm giá tối thiểu 5% giá trị các gói thầu tư vấn xây lắp để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí đầu tư công và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết thúc phần thảo luận của mình, gửi ý kiến của cử tri và nhân dân các tỉnh Tây Bắc đến với Quốc hội, đại biểu Nguyễn Cao Sơn đề nghị, hiện nay tuyến Quốc lộ 6 qua đoạn đèo Thung Khe (trên địa bàn tỉnh Hòa Bình), tình hình tai nạn giao thông rất nguy hiểm. Vì thế, việc đầu tư cấp bách đoạn tránh qua đèo Thung Khe sẽ giải quyết hầu hết các vấn đề liên quan đến hiện trạng khó khăn của nút thắt Quốc lộ 6, góp phần hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo tính mạng, tài sản, đồng thời là cơ sở kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Tây Bắc, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát, ưu tiên tổng hợp vào danh mục các dự án của bộ quản lý, để bố trí thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 theo quy định”, đại biểu Nguyễn Cao Sơn nêu kiến nghị.
PV