Chiều 5/10, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2023 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có đánh giá tổng thể việc thực hiện các chính sách tài khóa, đặc biệt là các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới.
Theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 9, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 49,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 102,9 nghìn tỷ đồng).
“Hiện Bộ Tài chính đang có đánh giá tổng thể việc thực hiện để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các giải pháp tới đây” - ông Trương Bá Tuấn nói. Vừa qua, trên cơ sở cuộc họp của Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và thực hiện chính sách phục hồi, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp tục thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và nghiên cứu trình Quốc hội tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng vào năm 2024. Bộ Tài chính đang tiến hành các quy trình thủ tục để thực hiện.
Việc giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đại diện Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí cho biết, Quốc hội ban hành Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 cho đến nay (đã qua quá trình sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014), đưa sắc thuế này trở nên hiện đại và toàn diện hơn.
Đáng lưu ý, từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế đã nâng từ 9 triệu lên mức 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm). Ông Trương Bá Tuấn cũng khẳng định, thẩm quyền điều chỉnh đã quy định trong luật là thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Tài chính đã theo dõi sát sao và đề xuất theo đúng quy định. Khi CPI biến động hơn 20% thì đề xuất điều chỉnh, không phải sửa luật. Luật Thuế TNCN sẽ được đề xuất sửa đổi nhiều vấn đề tổng thể vào thời gian tới.
“Về chương trình tổng thể, triển khai đề án xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 15, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ kết quả rà soát tổng thể các luật thuế, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội, trong đó có một số định hướng lớn về sửa Luật thuế TNCN, theo lộ trình thực hiện Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến 2030. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa 2 luật là Luật thuế GTGT, thuế TTĐB” - ông Trương Bá Tuấn thông tin thêm.
T.H