Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông Muhammad Umer- Tổng Giám đốc STI, Trưởng làng Fintech Techfest Việt Nam nhận định:“Fintech đang trở thành từ khóa “hot” được nhắc đến rất nhiều trong ngành tài chính thời gian gần đây ở Việt Nam và trên toàn thế giới, mang đến những cơ hội và thách thức đối với ngành này.
Trước kia, khi mọi người bắt đầu tìm hiểu về fintech, đây mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực ngân hàng. Khi công nghệ đã được tiến triển và mọi người bắt đầu có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm về về fintech, đã dần hiểu thêm về nó. Fintech lúc này được hiểu là ngành công nghiệp, bao gồm ngân hàng và các tổ chức không phải ngân hàng (trong đó có các tổ chức khởi nghiệp -startup) sử dụng công nghệ để hỗ trợ hoạt động cung ứng các dịch vụ tài chính hiệu quả hơn. Fintech là những ứng dụng, quy trình, sản phẩm hay mô hình kinh doanh trong lĩnh vực tài chính nhằm mục tiêu cạnh tranh với những phương thức cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống.
Ông Umer nhận định:“Mặc dù công nghệ là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, song fintech không chỉ đơn thuần là về công nghệ trong lĩnh vực thanh toán mà fintech bao trùm thị trường và các nghành liên quan cùng nhau”.
Cơ hội và thách thức
Các ứng dụng đa dạng của Fintech đang tác động đến nhiều lĩnh vực hoạt động của cả hệ thống tài chính - ngân hàng. Những sản phẩm của Fintech được đánh giá là đã và sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo, hệ thống cũng như các phương thức giao dịch tài chính truyền thống. Từ góc độ và kinh nghiệm của mình, ông Umer đã đưa ra 5 cơ hội mà Fintech đem lại, bao gồm:
Thứ nhất, Fintech tạo ra những mô hình kinh doanh mới làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng, ví dụ: Internet banking, Mobile banking, QR code, ngân hàng số, ví điện tử...
Thứ hai, sự bùng nổ trong lĩnh vực kỹ thuật số từ các công ty FinTech sẽ có tác động xuyên suốt tới nhiều loại dịch vụ tài chính, bao gồm ngân hàng kỹ thuật số; huy động vốn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ; thanh toán, bảo hiểm, trợ cấp lương hưu và quản lý đầu tư.
Thứ ba, Fintech cũng tạo ra các giải pháp tài chính cho khách hàng ở vùng sâu, vùng xa hoặc những khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính do thủ tục hoặc rào cản về địa lý. Đặc biệt, Fintech hỗ trợ tốt hơn cho nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Những khách hàng này thường bị các ngân hàng từ chối do không đáp ứng được các yêu cầu về vốn và tài sản.
Thứ tư, khách hàng có thể hưởng các lợi ích như trải nghiệm các dịch vụ cao cấp, sử dụng nhiều loại sản phẩm và dịch vụ hơn với chi phí thấp hơn và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Ví dụ: Hiện tại các công ty cho vay P2P (kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay trên Internet) hoạt động khá hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt các khoản vay từ vài tuần xuống chỉ còn vài giờ.
Cuối cùng, sự phát triển và ứng dụng các công nghệ mới như Big data, blockchain, hệ thống định dạng cá nhân sinh trắc học, định danh khách hàng điện tử... sẽ giúp các tổ chức tài chính thu thập dữ liệu, đơn giản hóa quy trình phân tích hành vi khách hàng, cải tiến chất lượng dịch vụ, tiết giảm chi phí hạ tầng kỹ thuật, tăng cường tính minh bạch, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt trong giao dịch ngân hàng mang lại giá trị gia tăng cũng như sự hài lòng hơn cho khách hàng.
Tuy nhiên, các đổi mới về FinTech cũng đặt ra những thách thức liên quan đến quyền riêng tư, an ninh mạng và các rủi ro hoạt động của nó. Ông Umer cho rằng, các công nghệ mới có thể làm tăng các lỗ hổng về bảo mật kỹ thuật đồng thời làm tăng những rủi ro trên không gian mạng.
Việc tạo ra niềm tin và lấy lòng tin của khách hàng là một yếu tố quan trọng giúp những đổi mới có thể tồn tại. “Như vậy, bài toán những vấn đề của người tiêu dùng tài chính ít hiểu biết về công nghệ cũng cần được giải quyết. Cần xem xét lại các giải pháp dự phòng cho những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn hoặc có hoàn cảnh khó khăn, đó là những người khó tiếp cận được các lợi ích của dịch vụ mà FinTech mang lại”, ông Umer cho biết thêm.
Cạnh tranh và hợp tác
Hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang phát triển với nhiều mô hình kinh doanh đa dạng, vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các loại hình tổ chức cũ và mới.
Ông Muhammad Umer đánh giá:“Sự nổi lên của FinTech làm giảm bớt lượng người sử dụng các dịch vụ của ngân hàng truyền thống và các dịch vụ tài chính khác, cũng giống như các nền tảng kỹ thuật số, trang web và điện toán đám mây đã thay thế các dịch vụ dựa vào con người. Tuy nhiên, những phát triển của FinTech không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng truyền thống, bản thân các ngân hàng đã thúc đẩy sự tự động hoá ở hầu hết các dịch vụ và tương tác với khách hàng nhằm cải thiện tính hiệu quả và giảm thiểu chi phí. Hơn nữa, nhiều ngân hàng cũng đang đầu tư vào các công ty FinTech để phát triển các công nghệ tiên tiến và tạo ra các giải pháp FinTech riêng theo nhu cầu của từng ngân hàng".
Các công ty Fintech đang tăng cường cộng tác với các ngân hàng nhằm hưởng lợi từ kinh nghiệm, chuyên môn của các ngân hàng và thuận lợi trong mở rộng quy mô phát triển. Đổi lại, các công ty Fintech cung cấp cho các ngân hàng nền tảng hiện đại nhất để tiếp cận những khách hàng mới.
Đánh giá về điều này, Ông Umer cũng đồng thuận: “Các quy định và quyền hạn về lương và mức tiền thưởng có thể gây khó khăn cho các ngân hàng truyền thống trong việc thu hút và giữ nhân tài về FinTech. Tương tự như vậy, các ngân hàng muốn thử các công nghệ, giải pháp và mô hình kinh doanh mới ở một số nơi có thể bị các khuôn khổ quy định hiện hành rằng buộc. Điều này khiến kìm hãm sự đổi mới trong các dịch vụ tài chính truyền thống, khiến người tiêu dùng không được hưởng các giá trị từ nhiều ngân hàng uy tín. Trong những trường hợp như vậy, các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống có thể được hưởng lợi khi hợp tác với các công ty Fintech”.
Sự bùng nổ Fintech tại các quốc gia
Có nhiều quốc gia đã bắt đầu áp dụng Fintech vào hệ thống tài chính của họ. “Trong đó, nhiều quốc gia tại châu Mỹ đang bắt đầu thí điểm và đi đầu hiện nay là vương quốc Anh. Theo sau đó là Singapore, Canada, Indonesia và Malaysia, tất cả đều theo một khuôn khổ mà nước Anh đang thực hiện, ứng dụng và triển khai vào hệ thống”, ông Umer cho hay.
Các dịch vụ tài chính số hiện nay đang có tốc độ tăng trưởng nhanh tại nhiều quốc gia và khu vực, thậm chí ở cả những nơi mà tài chính toàn diện truyền thống đang chững lại hoặc giảm sút, đặc biệt là tại châu Phi và châu Á. Các bằng chứng cho thấy, Fintech, có thể giúp người dân và doanh nghiệp duy trì, thậm chí tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính. Ngoài ra, tài chính số cũng giúp bổ khuyết cho các dịch vụ tài chính truyền thống tại những nơi mà việc cung cấp các dịch vụ truyền thống ít hiện diện. Không chỉ làm thay đổi cách cung cấp các dịch vụ tài chính, Fintech còn đem lại nhiều lợi ích như giao dịch nhanh hơn, hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn, yêu cầu ít hơn hoặc không cần tài sản thế chấp cho cấp tín dụng... Các dịch vụ tài chính số do đó cũng dễ dàng vươn tới nhiều đối tượng như các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Trong bối cảnh chính phủ các nước thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát dịch bệnh do Covid-19, các dịch vụ tài chính số có được những cơ hội mới để thúc đẩy tài chính toàn diện. Thực tế cho thấy, Fintech đang đóng vai trò quan trọng giảm thiểu tác động của Covid-19 với việc tạo thuận lợi cho triển khai các giải pháp tài khóa kịp thời, hiệu quả tới người thụ hưởng, thậm chí cả các đối tượng không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Bằng cách giảm và loại bỏ việc tiếp xúc trực tiếp và việc sử dụng tiền mặt, Fintech giúp các chính phủ nhiều nước cung cấp các gói hỗ trợ nhanh chóng, an toàn tới người dân, doanh nghiệp. Tại các nước mà việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng bị hạn chế, mobile money đang được sử dụng để thực hiện chuyển tiền cứu trợ của chính phủ (như Namibia, Peru, Uganda, Zambia). Một số công ty Fintech cũng tham gia đáp ứng yêu cầu thanh khoản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, như tại Trung Quốc, hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi cho người vay bị tác động bởi dịch bệnh như Ấn Độ, Kenya, Vương quốc Anh.
Từ những thành tựu mà Fintech mang lại được cho thế giới, ông Umer đánh giá: “Khi chúng ta biết đến fintech, những gì nó có thể thực sự đưa đến cho thế giới, đó là dựa vào công nghệ và cách thể chế mới vận hành. Nếu chúng ta đi theo cuộc cách mạng fintech này, dịch vụ ngân hàng sẽ được thay áo một cách toàn diện”.
Tiềm năng Fintech tại Việt Nam
Đến nay, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều ngành mũi nhọn có liên quan đến kinh tế số, kỹ thuật số như thương mại điện tử, fintech,…Đó là những nền tảng rất có giá trị, tạo ra động lực cho quá trình tiếp cận và đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Bất chấp Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2020, fintech đã gặt hái được nhiều thành công từ việc huy động vốn cho đến hình thành một thói quen cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, năm 2020 đánh dấu một năm tăng đáng kể số lượng start-up fintech tại Việt Nam. Báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 do Fintech News Singapore thực hiện, cho thấy số lượng các start-up fintech của Việt Nam đã tăng hơn 3 lần trong giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, năm 2017 Việt Nam có 44 start-up thì đến nay con số này đã lên đến 118 start-up, tăng 168%.
Thực tế, các công ty công nghệ tài chính tiềm năng luôn nhận được sự quan tâm và hậu thuẫn lớn cả về tài chính lẫn con người bởi các quỹ đầu tư. Ngay tại Việt Nam, các quỹ đầu tư tên tuổi ở nước ngoài cũng có sự quan tâm rất lớn đến các công ty công nghệ tài chính.
Mới đây nhất, MoMo vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Danh sách các nhà đầu tư mới của MoMo có Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital, đều là các nhà đầu tư mạo hiểm lớn với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính và các công ty khởi nghiệp Internet. Trong đó, nổi bật nhất là Goodwater Capital - một tên tuổi lớn đến từ thung lũng Silicon (Mỹ). Ngoài Momo, năm 2020, kỳ lân VNPay cũng phá kỷ lục với mức nhận đầu tư lên đến 300 triệu USD từ SoftBank’s Vision Fund và GIC.
Mặc dù hiện nay fintech của Việt Nam vẫn còn non trẻ so với nhiều quốc gia khác, các phân khúc bao gồm quản lý dữ liệu, tín dụng, chấm điểm tín dụng và huy động vốn cộng đồng vẫn chưa có đại diện xuất hiện…Song, theo các chuyên gia, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam chắc chắn sẽ còn tăng mạnh thời gian tới, khi nhận được các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như cơ quan quản lý. Đơn cử như việc eKYC sẽ có hiệu lực từ 5/3/2021, hay Nghị định về sandbox cho Fintech sẽ sớm được Chính phủ ban hành… Năm 2021, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng cho biết sẽ ban hành khung pháp lý thử nghiệm cho P2P Lending (cho vay ngang hàng), đề án thí điểm Mobile Money, các quy định về tiền điện tử, đại lý ngân hàng… Tại Chỉ thị 01-CT/NHNN ngày 7/1/2021, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán đảm bảo đồng bộ, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và sự phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới.
Ông Umer chia sẻ, sau 5 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, mặc dù vẫn gặp phải một số khó khăn trong việc triển khai hệ thống nhưng ông thể hiện sự lạc quan vào cơ hội phát triển Fintech ở Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều nhân sự tài năng với trình độ chuyên môn cao và theo sau đó chính là khát vọng và sự đổi mới tư duy của chính phủ.
“Tôi tin rằng những lợi ích mà chúng ta đang được tận dụng ngày hôm nay chính là công sức của những chuyên gia trong từng lĩnh vực công nghệ, thị trường và các nhà hoạch định chính sách. Họ đã cùng nhau quan sát, phân tích và hoàn thiện Fintech”, ông cho biết thêm.
Bảo Trinh – Anh Đức