Covid-19 xoáy sâu vào sự phân hóa người đi làm

16:51 31/03/2021

Anphabe vừa công bố kết quả chuỗi khảo sát xu hướng nguồn nhân lực và môi trường làm việc (gọi tắt là khảo sát xu hướng 2020). Chuỗi khảo sát được thực hiện với sự tham gia của hơn 53.000 người lao động, phản ánh những thay đổi và ghi nhận các xu hướng quan trọng tại thị trường nhân lực Việt Nam.

Theo Anphabe, sau một năm vượt bão Covid-19, bước sang “năm Covid-19 thứ hai”, doanh nghiệp đã phần nào sẵn sàng hơn để ứng phó với các diễn biến bất ngờ có thể xảy ra. Với người đi làm tại Việt Nam, bức tranh có nhiều gam màu tương phản.
Covid-19 xoáy sâu vào sự phân hóa người đi làm
Một mặt, người đi làm vững tin hơn và sẵn lòng đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng công ty. Cụ thể, có hơn 50% người lao động tham gia khảo sát đã đánh giá doanh nghiệp nơi họ làm việc đã sẵn sàng để ứng phó với những thay đổi bất định trong tương lai. Và với đánh giá tích cực đó, họ tin tưởng vào tầm nhìn và chiến lược của công ty; đồng thời không có ý định đổi việc mà sẵn sàng đồng hành cùng công ty vượt khó.
Nhưng ở một mặt khác, không ít người đi làm đang mơ về “ngọn đồi xanh” khác. Người đi làm tại Việt Nam càng ngày càng giảm gắn kết với doanh nghiệp và đà giảm gắn kết này diễn ra liên tục trong vòng 5 năm qua, từ 71% người lao động gắn kết với doanh nghiệp vào năm 2016, giảm xuống còn 53% vào năm 2020.
Covid-19 tác động mạnh đến 'hôn nhân' giữa người lao động với doanh nghiệp ảnh 1

Đáng quan ngại hơn, có 35% người đi làm có ý định nhảy việc trong vòng một năm tới, trong khi năm 2018 tỷ lệ này là 24%. Trong nhóm này, có đến 7% là những nhân viên có nỗ lực nhưng vẫn muốn ra đi (thất thoát đáng tiếc) và 28% còn lại thuộc nhóm nhân viên không nỗ lực và “ấp ủ” ý định đổi việc (từ bỏ).

Trong tình hình tuyển dụng không mấy sôi động so với những năm trước, cơ hội việc làm không quá dồi dào, thì nhóm 35% này có thể trở thành “Zombie công sở” thế hệ mới (những người không gắn kết với nơi làm việc, không làm việc hết mình song cũng… không nghỉ việc, mà vẫn làm việc cầm chừng, thái độ làm việc tiêu cực), tạo ra nhiều thách thức về năng suất và văn hóa tại các doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp và người đi làm tiếp tục bắt tay nhau “vượt khó”
Anphabe cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tăng cường truyền thông và gắn kết nội bộ. Thực tế cho thấy, khi mọi thứ xung quanh ngày càng khó khăn và bất định, người đi làm dễ rơi vào tâm lý chông chênh và lo lắng. Vì thế, họ càng kỳ vọng lãnh đạo doanh nghiệp phải có khả năng quan tâm, cam kết và dẫn dắt nhân viên.

Về định hướng lâu dài, doanh nghiệp cần linh hoạt và ứng biến nhanh, chủ động thúc đẩy các bước chuyển đổi quan trọng trong doanh nghiệp như chuyển đổi số, tái cấu trúc theo hướng phẳng và gọn hơn, trao quyền và tăng sự chủ động cho nhân viên các cấp.

Covid-19 tác động mạnh đến 'hôn nhân' giữa người lao động với doanh nghiệp ảnh 2

Có đến 60% người lao động cho rằng, họ sẽ nỗ lực làm việc, gắn bó hơn nếu doanh nghiệp ưu tiên đầu tư và cải thiện quy trình vận hành theo hướng đơn giản & nhanh gọn hơn và phân quyền hiệu quả cùng với trách nhiệm rõ ràng. Và người đi làm cũng nhìn nhận họ cần bắt tay cùng doanh nghiệp vượt khó.

PV

Tags: