Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ năm 2022

19:23 30/12/2022

Vừa qua, Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ năm 2022.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

Quy mô Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt gần 89,4 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 3/14 tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước tăng 7,97% so với năm 2021, đứng thứ 43 cả nước và đứng thứ 10 so với các tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Tính đến 15/12/2022, toàn tỉnh có 966 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt gần 12.562,1 tỷ đồng, tăng 27,6% về số doanh nghiệp và tăng 66,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt khá, ở mức 3,53% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 12,1% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tổng mức bán bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 44.091,3 tỷ đồng tăng 19,1%. Tổng doanh thu vận tải ước đạt 6.085,3 tỷ đồng, tăng 16,2%. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 12.066,7 triệu USD, tăng 42,8%; nhập khẩu ước đạt 11.239,4 triệu USD, tăng 31,6%. Nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 76.300 tỷ đồng, tăng 5.584 tỷ đồng (tăng 7,9%), đạt kế hoạch định hướng của ngành Ngân hàng Phú Thọ. Trong đó; tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 92,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10.808 tỷ đồng (tăng 13,0%), vượt kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,56% so với cùng kỳ và ở hầu hết các nhóm hàng.

Về tình hình xã hội, dân số trung bình toàn tỉnh năm 2022 ước hơn 1,5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 46 triệu đồng/năm (tăng 6,7% so với năm 2021). Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) 5,19% (tính đến 21/12/2022…

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2023, Cục Thống kê đề xuất một số giải pháp: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thủ tục, đất đai, xây dựng, tín dụng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án.

P.V