Cơ hội cho gạo Việt nâng tầm giá trị

14:37 28/09/2022

Trong bối cảnh Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, nâng thuế xuất khẩu gạo trắng và gạo lứt lên 20%, gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp tăng trong thời gian qua, nhiều khách hàng trước đây của Ấn Độ đã chuyển hướng sang Việt Nam.

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, nâng thuế xuất khẩu gạo trắng và gạo lứt lên 20% đang làm tác động không nhỏ tới thị trường 3 tỷ dân sử dụng gạo trên thế giới. Việt Nam vốn là nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới cũng không nằm ngoài diễn biến trên.

Theo các doanh nghiệp, khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, các bên mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Từ thực tế trên, Hiệp hội lương thực Việt Nam dự kiến 4 tháng cuối năm sẽ xuất khẩu khoảng 1,5 đến 1,7 triệu tấn, như vậy cả năm sản lượng xuất khẩu sẽ rơi vào từ 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn khoảng từ 1 trăm đến 2 trăm nghìn tấn so với năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp đứng trước cơ hội đẩy nhanh xuất khẩu. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân.

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu khẩu trong khi Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm tới sẽ là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm, nhu cầu ổn định, theo tôi giá gạo thế giới và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Cơ hội gạo Việt Nam gia nhập đường đua  giá trị cao

Nhiều thương nhân Trung Quốc bắt đầu hỏi mua gạo tấm của các doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tích cực mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đón nhận.

Ngay đầu tuần này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm lại tiếp tục tăng 20 USD/tấn so với tuần trước. Tuy nhiên, cũng theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải theo sát thị trường vì lượng gạo sắp thu hoạch được từ nay đến cuối năm xung quanh khoảng 2 triệu tấn.

Như vậy, việc giá gạo gia tăng trong thời gian qua là cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Dù giá gạo đang có xu hướng tăng, song trên thực tế lượng khách hàng ký hợp đồng mới chưa nhiều.

Theo các chuyên gia, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam khá ổn định qua các năm từ 6,3 đến 6,5 triệu tấn, thời gian tới việc đẩy nhanh sản lượng xuất khẩu cũng không phải dễ vì còn phải đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân trong nước. Vì thế bài toán kinh tế ở đây là nâng chất lượng và giá bán gạo Việt Nam.

Ngọc Phi (t/h)