Chuyển đổi số: Chìa khóa giúp các doanh nghiệp thoát hiểm và bứt tốc trên hành trình phát triển

14:24 11/11/2020

Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP đến năm 2025. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, để doanh nghiệp có thể thoát hiểm và bứt tốc, không còn con đường nào khác là phải thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, thương mại điện tử. Kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên giới.

Toàn cảnh buổi Diễn đàn

Đây cũng là một trong những nội dung chính được đề cập đến trong Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề “Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phối hợp với Liên minh Invest Global tổ chức. Diễn dàn là một sự kiện chào mừng năm Việt Nam ASEAN và tuần lễ cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội.

Diễn đàn cũng hướng tới chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh Asean với chủ đề ASEAN số: bền vững và bao trùm do VCCI và ASEAN-BAC chủ trì tổ chức tới đây. Với mục tiêu đặt câu chuyện chuyển đổi số của Doanh nghiệp Việt Nam là trung tâm bàn thảo của Diễn đàn nhằm nhận diện, phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ đó hiến kế các giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của bối cảnh mới, góp phần đạt được mục tiêu của chính phủ đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch ASEAN-BAC Đoàn Duy Khương; Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Trương Anh Dũng; Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cùng đại diện các cục, vụ chức năng của các bộ, ngành và 200 doanh nghiệp Việt Nam. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Trử Văn Lâm cho biết, 2020 là một năm bão táp với toàn thể nhân loại. Đại dịch Covid-19 đã tác động và để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với hầu hết các nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, năm 2020, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm tới 5,2% và đây là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

Ông Trử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Theo ông Trử Văn Lâm, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch, y tế, giáo dục, lao động, việc làm. Tuy không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như một số nước, song mức tăng trưởng GDP 2,12% của 9 tháng qua là mức thấp nhất trong hơn 10 năm đối với kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng, dù mức tăng trưởng còn thấp, còn bộn bề khó khăn để tái thiết và khôi phục kinh tế trong và sau đại dịch, song, những nỗ lực không ngừng nghỉ từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong suốt thời gian qua chính là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng rằng những gam màu sáng sẽ tiếp tục sáng lên với bức tranh kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu để khép lại giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, tạo động lực tăng trưởng cho một giai đoạn quan trọng mới.

Theo Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Covid-19 chính là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, nhưng cũng chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi. "Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị liên quan đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo, đổi mới và hội nhập vì một Việt Nam thịnh vượng và ASEAN phát triển bền vững", ông Trử Văn Lâm nhấn mạnh.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ Trưởng Nguyễn Minh Vũ nhận định, kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu. Nhiều dự báo cho rằng, 5-10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số và chỉ từ 2-3 năm tới, sự phổ cập công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá rất sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin, xu thế toàn cầu hoá, tương quan sức mạnh và quan hệ giữa các quốc gia.

Năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo, đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới. Ở khu vực ASEAN, mặc dù kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP, song được dự báo sẽ đóng góp thêm 1 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới.

Covid-19 ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế, nhưng đại dịch cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thức tỉnh, định vị lại bản thân, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá.

Có thể thấy, chuyển đổi số không chỉ là hoạt động đầu tư và vận hành công nghệ số mà là quá trình ứng dụng công nghệ để tao ra hoặc thay đổi các quy trình quản trị doanh nghiệp, phương thức kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều này đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải có khả năng thúc đẩy đổi mới, hiểu đúng về năng lực số, có chiến lược chuyển đổi số phù hợp và hiệu quả với hiện trạng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo và duy trì một tinh thần sáng tạo, một tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp.

Thế giới đã, đang và sẽ phải duy trì trạng thái bình thường mới để đạt được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chủ động ứng phó với những biến động khó lường của đại dịch covid-19 và chuyển đổi số là chìa khóa giúp các quốc gia và doanh nghiệp thoát hiểm và bứt tốc trên hành trình phát triển.

Bảo Trinh