Nhằm triển khai nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covd-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị "Giải pháp và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19".
Tại Hội nghị, TS.Nguyễn Văn Thân nhận định: "Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại nước ta đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, giao thương của doanh nghiệp và gián tiếp ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người lao động".
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2021, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và rút khỏi thị trường lên đến hơn 97.000 doanh nghiệp. Và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, xu hướng gần đây của thị trường lao động bắt đầu phản ánh tác động trực tiếp của đợt dịch lần thứ 4, khi cả nước có tới hơn 1,4 triệu người lao động thất nghiệp, 1,3 triệu người lao động đã phải về quê do không có việc làm và cuộc sống khó khăn. "Mặc dù những số liệu trên có vẻ tương đối nhỏ so với nhiều quốc gia khác, kể cả trong khu vực, nhưng rõ ràng nó cho thấy sự thay đổi lớn trong cơ cấu lực lượng lao động. Bằng chứng này thể hiện bức tranh sáng - tối đan xen về tác động đến doanh nghiệp, với những dấu hiệu cho thấy áp lực tài chính đang ngày càng lớn dần và khả năng chống chịu của khu vực tư nhân đang ngày càng yếu đi", ông Thân đánh giá.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đợt dịch thứ tư tại Thái Bình cũng tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng ngàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có gần 300 doanh nghiệp (chủ yếu là nhỏ và vừa) phải rút lui khỏi thị trường hoặc tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hơn 12.500 lao động. Đợt dịch cũng khiến 1.520 hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn trong việc trả lương cho người lao động, chi trả chi phí cố định, lãi vay, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cạnh tranh thị trường, liên kết giữa các hộ thành viên, hợp tác xã và đối tác có liên quan.
Ông Thân cũng bày tỏ sự vui mừng bởi ngay sau khi Chính phủ chuyển đổi trạng thái từ “Zero Covid” qua “thích ứng an toàn trong tình hình mới” và thực hiện các chính sách ngoại giao, tiêm chủng và bao phủ vắc xin thì tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đã có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Tính đến ngày 23/12/2021, nước ta đã tiêm được hơn 140 triệu liều vắc xin các loại cho khoảng 83% người dân trên 18 tuổi và đang tiếp tục triển khai tiêm mũi thứ 3, đồng thời tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ). Với tốc độ tiêm chủng vắc xin đạt 1 triệu liều/ngày như hiện nay, cộng với tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đang bắt đầu sôi động trở lại (với gần 12.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2021, tổng số vốn đăng ký đạt 150 nghìn tỷ đồng và số lượng lao động đăng ký là 76,6 nghìn người), thì theo dự báo, tăng trưởng kinh tế quý 4 của nước ta sẽ “đảo chiều” so với quý 3, phục hồi lên mức 7% và đưa tăng trưởng cả năm lên khoảng 3%. "Đây là thắng lợi chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, và không thể không kể đến sự vào cuộc rất quyết liệt của các Bộ, ban ngành trung ương và địa phương, nhất là của Văn phòng Chính phủ", ông Thân nhận định.
Tính đến đầu tháng 11/2021 các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng đã tạo công ăn việc làm mới cho gần 22.000 lao động (đạt 64% kế hoạch năm). Theo đó, dự kiến trong năm nay, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 56.800 tỷ đồng, tăng trên 6% so với năm 2020. Tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 168.000 tỷ đồng, tăng trên 8,7% so với năm trước. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm trên 25%, công nghiệp xây dựng chiếm 42,8% và dịch vụ chiếm 31,6%. Về tổng quan, các chỉ số vĩ mô của tỉnh đều phục hồi tương đối khả quan, trong đó có sự đóng góp rất lớn của cộng động doanh nghiệp. Ông Thân đánh giá, tỉnh Thái Bình đang hòa chung vào nhịp đập kinh tế của cả nước và những con số trên cho chúng ta một niềm tin vững chắc rằng địa phương sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bứt phá trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, ông cũng chúc mừng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả hết sức đáng tự hào.
Những thông tin mà Chủ tịch VINASME nêu trên đã cho thấy góc nhìn tích cực hơn về một bức tranh “tươi sáng” của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thân cũng cho rằng, không vì thế mà chủ quan và thỏa mãn với những gì đã đạt được. Chính vì vậy, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp và ban hành các chính sách hỗ trợ, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030.
Với mục tiêu tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người lao động tỉnh Thái Bình trong tình hình mới, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị đối thoại ngày hôm nay với chủ đề: “Chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19” để lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia, để từ đó kiến nghị các giải pháp hỗ trợ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương.
Đại diện VINASME mong muốn, tHội nghị ngày hôm nay sẽ được lắng nghe các quý vị đại biểu phát biểu thẳng thắn, ngắn gọn và tập trung vào các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Những ý kiến này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc ban hành các chính sách hỗ trợ của tỉnh trong thời gian tới.
Bảo Hà